Một số bạn đọc Báo Đồng Nai thắc mắc, hành vi nhũng nhiễu, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ có phải hành vi tham nhũng hay không. Những người có hành vi như thế này sẽ bị xử lý ra sao?
Một số bạn đọc Báo Đồng Nai thắc mắc, hành vi nhũng nhiễu, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ có phải hành vi tham nhũng hay không. Những người có hành vi như thế này sẽ bị xử lý ra sao?
Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) truyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho người dân tại xã Suối Cao (H.Xuân Lộc). Ảnh: Đ.Phú |
Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho biết, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
* Thế nào là tham nhũng?
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định, các hành vi tham nhũng như sau: các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
Cũng theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, hành vi tham nhũng còn bao gồm: đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
* Có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Nguyễn Đức giải thích, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định, nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng. Do đó, nếu trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ nào có hành vi nhũng nhiều, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp được xem là hành vi tham nhũng, bị pháp luật nghiêm cấm, xử lý nghiêm.
Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định, công dân có quyền phát hiện, phản ảnh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời luật cũng quy định, công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng. |
Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định các tội phạm tham nhũng từ Điều 353 (tội tham ô tài sản) đến Điều 359 (tội giả mạo trong công tác) với khung hình phạt từ 1-20 năm, chung thân, tử hình.
Chẳng hạn, Điều 352 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-7 năm tù: đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1, chương XXIII các tội phạm về chức vụ Bộ luật Hình sự năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định rõ, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7-15 năm tù: có tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; phạm tội 2 lần trở lên; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn...
“Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: chiếm đoạt tài sản trị giá 1tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên” - luật sư Nguyễn Đức cho biết.
Đoàn Phú