Báo Đồng Nai điện tử
En

Băn khoăn chất lượng nước đá

09:08, 20/08/2020

Nước đá là thức uống kèm phổ biến ở các hàng quán. Do nước đá là sản phẩm được tự công bố và tự quản lý chất lượng nên không ít người tiêu dùng băn khoăn liệu nước đá có an toàn khi cơ sở sản xuất được trao quyền tự công bố...

Nước đá là thức uống kèm phổ biến ở các hàng quán. Do nước đá là sản phẩm được tự công bố và tự quản lý chất lượng nên không ít người tiêu dùng băn khoăn liệu nước đá có an toàn khi cơ sở sản xuất được trao quyền tự công bố...

Một cơ sở sản xuất nước đá ở P.Trảng Dài (TP. Biên Hòa) để đá cây sau khi ra khuôn trên nền nhà không bảo đảm vệ sinh. Ảnh: P.Liễu
Một cơ sở sản xuất nước đá ở P.Trảng Dài (TP. Biên Hòa) để đá cây sau khi ra khuôn trên nền nhà không bảo đảm vệ sinh. Ảnh: P.Liễu

Thông tư số 05/2011/TT-BYT ngày 13-12-2011 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước đá dùng liền (thường được gọi là nước đá tinh khiết) quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với nước đá dùng liền được sử dụng để ăn uống trực tiếp. Nước đá dùng liền không bao gồm các loại nước đá được sản xuất để bảo quản thực phẩm hoặc dùng cho các mục đích khác. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều hàng quán vẫn dùng nước đá bảo quản thực phẩm để uống. 

* Lấy nước đá ướp thực phẩm để uống

Chị Võ Minh Anh (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) kể, có lần ăn ở một tiệm phở trên đường Nguyễn Ái Quốc, quán đưa ra một cốc trà đá. Thoạt đầu thấy có cặn đen ở đáy ca nghĩ là bã trà nên không hỏi. Nhưng khi rót nước ra, thấy rõ vẩn đục ở đáy ly mới biết là... đá bẩn.

Mỗi ngày tiệm phở của bà T.T.A.L. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) dùng hết 1 cây đá để bỏ vào bình trà cho khách uống. Bà L. nói: “Đá nào chả là đá lạnh, chỉ khác nhau về hình thức thôi. Ở tiệm ăn của tôi phục vụ miễn phí trà đá, dùng đá viên tốn kém lắm vì loại đá này đắt, lại mau tan. Còn đá cây chắc hơn, lâu tan hơn”.

Nhiều năm làm nghề bán đá cây cho cả người mua uống lẫn người mua ướp tôm cá, bà N.T. L. (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, người mua hầu như không ai hỏi đến nguồn gốc nước đá nhưng thông thường đá cây chỉ dùng để ướp thực phẩm chứ không dành để uống.

* Nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh (Sở Y tế), toàn tỉnh hiện có 45 cơ sở sản xuất nước đá uống liền và 22 cơ sở sản xuất nước đá cây. Trước đây, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước khi đi vào hoạt động, đều phải được cơ quan chức năng là Chi cục ATVSTP tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn kiến thức ATVSTP cho người trực tiếp sản xuất, chế biến... Khi đã đạt đủ các tiêu chuẩn trên, cơ sở mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP để đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, ngày 12-2-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bao gồm cả nước đá - được tự công bố chất lượng sản phẩm. Việc kiểm tra các tiêu chuẩn về ATVSTP sẽ được cơ quan chức năng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Là người nhiều năm làm công tác nghiệp vụ, thanh, kiểm tra về ATVSTP, kỹ sư Nguyễn Đình Việt, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ (Chi cục ATVSTP tỉnh) cho biết, hiện nay việc kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đá rất khó khăn và hạn chế. Ông Việt giải thích, với quy định mỗi năm chỉ được kiểm tra doanh nghiệp một lần nên thường phải kiểm tra sản phẩm nước đá kết hợp với các mặt hàng thực phẩm khác. Nếu muốn kiểm tra riêng nước đá thì phải tổ chức kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề.

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, trong  năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, qua công tác kiểm tra, Chi cục ATVSTP cũng đã ghi nhận tại một số cơ sở sản xuất nước đá tư nhân, nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo điều kiện an toàn như: sử dụng nguồn nước ngầm chưa qua xử lý hoặc quy trình xử lý nước ngầm chưa đảm bảo an toàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất và công cụ tiếp xúc với sản phẩm nước đá chưa bảo đảm vệ sinh; quá trình vận chuyển và lưu trữ đá thành phẩm trong kho ở nhiều cơ sở không sạch, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn...

Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nguyễn Đình Minh cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất nước đá, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm các quy định về ATVSTP. Đồng thời khuyến cáo người dân nên chủ động chọn dùng nước đá tinh khiết để uống, đặc biệt không dùng đá cây. Nếu có điều kiện, nên làm nước đá tại nhà để uống; nếu mua uống nên mua loại nước đá tinh khiết, loại được đóng gói bao bì theo quy trình sản xuất khép kín.

Thông tin từ Bộ Y tế, do nước đá dùng liền không qua xử lý, nếu nguồn nước làm đá không sạch sẽ dễ  nhiễm các loại vi khuẩn: E.coli, Coliforms, Feacal streptoccocus... có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp; một số gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết. Hoặc đá làm từ nguồn nước có tồn dư kim loại nặng, hóa chất như thủy ngân, chì, asen, kẽm... sẽ là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Phương Liễu

Tin xem nhiều