Những năm gần đây, một số khu vực ở TP.Biên Hòa thường xảy ra ngập úng cục bộ, nước cuốn trôi người và xe xuống suối sau những cơn mưa lớn kéo dài, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Do đó, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của TP.Biên Hòa đã khảo sát, xây dựng các phương án phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các sự cố.
Những năm gần đây, một số khu vực ở TP.Biên Hòa thường xảy ra ngập úng cục bộ, nước cuốn trôi người và xe xuống suối sau những cơn mưa lớn kéo dài, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Do đó, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của TP.Biên Hòa đã khảo sát, xây dựng các phương án phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các sự cố.
Công an TP.Biên Hòa tiếp cận, giải cứu nhiều hộ dân tại KP.4, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) bị mắc kẹt sau cơn mưa ngày 5-8. Ảnh: CTV |
* Nguy hiểm sau mưa lớn
Tình trạng sau mưa lớn khiến ngập úng, nước cuốn đã xảy ra nhiều lần trong cao điểm mùa mưa năm 2019 tại các phường vùng ven, gần các sông suối, làm 3 người thiệt mạng.
Cụ thể như cơn mưa lớn tối 8-5-2019 đã cuốn trôi 2 học sinh lớp 10 xuống suối Bà Lúa (KP.1, P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) và làm 2 em thiệt mạng. Hoặc tối 18-9-2019, một người đàn ông 50 tuổi cũng bị nước lũ cuốn trôi và thiệt mạng khi qua con suối thuộc KP.Tân Cang, P.Phước Tân (TP.Biên Hòa). Thậm chí cả 1 xe ô tô 4 chỗ cũng bị nước cuốn trôi xuống suối Săn Máu vào tối 8-9-2019 khi đang đi gần đến cầu Kim Bích (KP.5, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa).
Đại úy Nguyễn Hữu Tài, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP.Biên Hòa) cảnh báo: “Người dân di chuyển qua khu vực mưa ngập phải cẩn thận, nếu tầm quan sát bị hạn chế và không ước lượng được độ sâu an toàn thì tốt nhất nên tạm ngưng di chuyển, chờ nước rút. Đặc biệt chính quyền các địa phương, người dân cũng phải nhanh chóng báo tin cho lực lượng chức năng khi xảy ra sự cố ngập úng sau các trận mưa lớn để kịp thời có biện pháp ứng phó”. |
Theo khảo sát của các ngành chức năng TP.Biên Hòa, tình hình ngập úng thường xảy ra khi có mưa lớn tại một số địa bàn trọng điểm như trên đường Bùi Văn Hòa (đoạn từ chợ K8 - Cổng 11), cầu Kim Bích (nối P.Trảng Dài - P.Hố Nai), nhiều đoạn gần các suối của P.Phước Tân, P.An Hòa, P.Long Bình Tân... Đặc biệt, một số đoạn đường tại các khu vực đi qua sông, suối này là cầu, đường dân sinh, không có rào chắn, không có biển báo, tối lại ít ánh đèn nên rất nguy hiểm nếu xảy ra ngập, nước dâng.
Mới đây vào tối 5-8, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Công an TP.Biên Hòa đã mất hơn 2 giờ để di chuyển nhiều hộ dân tại KP.4, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) có nhà bị ngập nặng (nhiều đoạn ngập ngang eo người lớn) đến nơi an toàn.
Đại úy Nguyễn Hữu Tài, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP.Biên Hòa) nhận định: “Những tình huống trên xảy ra chủ yếu vào buổi tối, khi nước chảy xiết hạn chế tầm quan sát, nên người đi đường dễ bất cẩn và gặp sự cố. Dưới sức mạnh của dòng nước, rất khó để người gặp nạn có thể tự cứu bản thân nếu không có vật để bám chặt vào chờ giải cứu. Ngay cả chúng tôi khi tiếp cận các vùng ngập, nước cuốn cũng phải tổ chức đội hình với các trang bị bảo hộ để đảm bảo an toàn”.
* Nhiều giải pháp giảm sự cố do ngập
Để hạn chế thiệt hại tính mạng, tài sản người dân do ngập úng, nước cuốn sau mưa lớn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Biên Hòa đã xác định cụ thể từng điểm ngập, kiểm tra và giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng, chống lụt, bão tại các địa phương. Đặc biệt, các địa phương cũng thường xuyên ra quân, cùng người dân tổ chức nạo vét lại các mương, cống, rãnh thoát nước, bố trí lực lượng phối hợp với các đơn vị cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp hỗ trợ nhân dân khắc phục ngập úng.
Phó chủ tịch UBND P.Trảng Dài Nguyễn Văn Tường cho biết: “Để hạn chế nguy cơ ngập ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân, chúng tôi đã cắt cử lực lượng dân quân, Công an phường túc trực và sẵn sàng lên đường hỗ trợ người dân sau các trận mưa lớn. Đặc biệt lưu ý những vị trí, khu vực thường xảy ra ngập, nhắc nhở bà con, người đứng đầu các tổ dân phố, khu phố sớm báo tin nếu mực nước các suối, ao hồ dâng cao bất thường”.
Ngoài ra, một số địa phương cũng có cách làm hay trong việc hạn chế ngập úng và sự cố do ngập úng, nước cuốn. Điển hình như P.Hiệp Hòa đã đề xuất lập các rào chắn ngăn cách giữa đường và một số khu vực kênh, mương, suối, hạn chế tình trạng người và phương tiện giao thông bị nước cuốn. Hay P.Hố Nai đã đặt bảng cảnh báo và lắp đặt lưới B40 cao khoảng 4m tại một số cầu để ngăn người dân vứt rác xuống suối, hạn chế tình trạng nghẽn dòng chảy làm nước dâng cao gây ngập úng.
Minh Thành