Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động lực lượng cứu nạn, giảm hậu quả thiên tai

09:09, 06/09/2020

Đồng Nai đang trong mùa mưa, để đảm bảo an toàn cho người dân và giảm hậu quả do thiên tai gây ra, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ toàn tỉnh đã khoanh vùng các khu vực dễ xảy ra ngập lụt, sạt lở và có những phương án chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng ứng phó; đồng thời cảnh báo, hướng dẫn người dân phòng ngừa, thoát nạn kịp thời.

Đồng Nai đang trong mùa mưa, để đảm bảo an toàn cho người dân và giảm hậu quả do thiên tai gây ra, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ toàn tỉnh đã khoanh vùng các khu vực dễ xảy ra ngập lụt, sạt lở và có những phương án chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng ứng phó; đồng thời cảnh báo, hướng dẫn người dân phòng ngừa, thoát nạn kịp thời.

Lực lượng công an địa phương tham gia di dời tài sản của người dân xã Nam Cát Tiên (H.Tân Phú) trong đợt lũ lụt tháng 8-2019. Ảnh: Tố Tâm
Lực lượng công an địa phương tham gia di dời tài sản của người dân xã Nam Cát Tiên (H.Tân Phú) trong đợt lũ lụt tháng 8-2019. Ảnh: Tố Tâm

* Ngăn ngừa hậu quả nặng nề của thiên tai

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, chỉ tính trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 đợt mưa lớn gây ngập lụt, kèm theo dông lốc tại TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Hậu quả đã làm 5 người chết, 2 người bị thương và 2 cây cầu dân sinh bị hư hỏng. Ngoài ra, mưa to, gió lớn còn làm hơn 100 căn nhà bị tốc mái, hơn 1,1 ngàn hộ dân bị ngập nhà, làm chết gần 120 ngàn con gia cầm, thiệt hại hơn 100 bè nuôi cá… Tổng thiệt hại ước tính khoảng 633 tỷ đồng. Đặc biệt, tháng 8-2019, trận lụt lớn xảy ra ở H.Định Quán và H.Tân Phú làm 14 xã bị ngập nước nặng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tại TP.Long Khánh đã xảy ra mưa đá, mưa kèm dông lốc làm 30 căn nhà tốc mái, 64 hộ thiệt hại cây trồng, 2 hộ tốc mái nhà kho, 2 hộ tốc mái chuồng trại chăn nuôi, hơn 10 cây xanh có tuổi thọ hơn 15 năm bật gốc… Hoặc tại H.Thống Nhất, có một số địa điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở lớn như: khu vực tổ 4, ấp Nguyễn Huệ 2 (xã Quang Trung); cầu Ông Bồ, ấp Tín Nghĩa (xã Xuân Thiện)...

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, để ngăn ngừa thiệt hại do mưa lũ gây ra, đơn vị đã luôn yêu cầu các đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực trong trạng thái sẵn sàng để kịp thời cứu người, cứu tài sản. Đồng thời phối hợp với công an các địa phương chia sẻ thông tin các trường hợp gặp nạn để kịp cử người và phương tiện đến hiện trường ứng cứu. Đặc biệt, thời gian qua, Phòng cũng đã được biên chế thêm một số ca nô, tăng cường khả năng ứng cứu những khu vực ngập lụt, nước cuốn.

Còn tại các địa phương, Công an huyện triển khai kiểm tra, nắm tình hình, “khoanh vùng” một số nguy cơ thường gặp và tham mưu cho ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của địa phương với các nội dung chủ yếu như: kiểm tra các vùng thường xảy ra ngập, sạt lở; tăng cường tuyên truyền cho người dân không xem nhẹ nguy cơ thiên tai và duy trì chế độ báo tin, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.

Để chủ động trong cứu nạn, giảm thiệt hại từ thiên tai tại H.Trảng Bom (chủ yếu là ngập lụt), Công an huyện đã tham mưu cho cấp trên kiểm tra rà soát sức chứa các hồ, đập tại các xã Hố Nai 3, Sông Thao, Sông Trầu, Trung Hòa... và các suối nhỏ khác. Lực lượng công an cũng tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) nhằm ứng phó kịp thời các sự cố xảy ra.

* Lưu ý các biện pháp an toàn

Bên cạnh trách nhiệm sẵn sàng cứu nạn của cơ quan chức năng, người dân cần chủ động phòng tránh, tự bảo vệ bản thân và gia đình trước thiên tai. Theo khuyến cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, người dân không nên xây nhà ở khu vực đã từng xảy ra sạt lở, khu vực ven sông, suối, sườn dốc; kịp thời báo chính quyền địa phương khi phát hiện dấu hiệu sạt lở. Đặc biệt, tại những khu vực thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt, lốc xoáy..., người dân cần chú ý theo dõi tin tức về các đợt mưa lớn, kéo dài, thời gian xả lũ, áp thấp nhiệt đới để có những biện pháp phòng tránh cần thiết.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải nói thêm: “Ngay cả khi đi tránh lụt trở về nhà, người dân không nên vào nhà ngay mà phải kiểm tra một vòng xem cột, tường có khả năng bị sập đổ hay không. Nhớ kiểm tra van bình gas, cầu dao điện vì gas có thể bị rò rỉ nên không được sử dụng diêm hay bật lửa, hãy mở cửa sổ ra để thông gió trước. Không nên ăn uống, nấu nướng với thực phẩm hoặc nguyên liệu bị ngập nước vì có thể ảnh hưởng sức khỏe”.

Mới đây, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an cũng lưu ý một số biện pháp phòng ngừa rủi ro do mưa bão gây ra như: khi đang di chuyển bằng xe mà gặp vùng có ngập lụt cần phải quay lại và tìm đường khác. Nếu không có đường tránh, nên tìm nơi để đứng chờ tới khi nước rút. Đặc biệt, không lái xe đến những đoạn đường dốc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập nước vì dòng nước đang chảy mạnh có thể làm trôi xe hoặc dưới vùng nước có những chỗ trũng, hố sâu gây nguy hiểm đến tính mạng. Không lái xe quanh những chướng ngại vật và luôn đảm bảo sự an toàn; nếu xe bị ngập nước, người dân hãy nhanh chóng tắt máy, bỏ xe lại, di chuyển đến nơi an toàn và gọi cứu hộ.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2020 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai trong 5 tháng đầu năm 2020 là gần 3.183 tỷ đồng.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều