Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự thảo thông tư mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh: Tạo cơ hội cho học sinh sửa chữa khuyết điểm

09:09, 17/09/2020

Báo Đồng Nai số ra ngày 11-9 có đăng bài Dự thảo thông tư mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh: Xóa bỏ các hình thức kỷ luật không phù hợp đã phân tích, thông tin về những điểm mới của dự thảo thông tư mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh của Bộ GD-ĐT. Bài viết đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc (BĐ).

Báo Đồng Nai số ra ngày 11-9 có đăng bài Dự thảo thông tư mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh: Xóa bỏ các hình thức kỷ luật không phù hợp đã phân tích, thông tin về những điểm mới của dự thảo thông tư mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh của Bộ GD-ĐT. Bài viết đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc (BĐ).

Việc khen thưởng và xử phạt học sinh đúng mức sẽ có tác dụng tích cực trong công tác giáo dục - đào tạo Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Bình Đa (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh kỹ năng đánh trống đội
Việc khen thưởng và xử phạt học sinh đúng mức sẽ có tác dụng tích cực trong công tác giáo dục - đào tạo Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Bình Đa (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh kỹ năng đánh trống đội. Ảnh minh họa: Công Nghĩa

Nhiều ý kiến BĐ bày tỏ sự tin tưởng khi triển khai dự thảo này sẽ khắc phục được những bất cập của các quy định trước đây về khen thưởng, kỷ luật học sinh thông qua việc xóa bỏ các kiểu xử phạt tiêu cực, xúc phạm nhân phẩm học sinh, tăng cường đưa ra các giải pháp giúp học sinh điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.

* Nhiều điểm mới tích cực

Bày tỏ sự ủng hộ với nội dung dự thảo thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh, BĐ Nguyễn Thị Kiều Diễm, giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) chia sẻ, với thâm niên hàng chục năm làm trong nghề cô đã xử lý kỷ luật rất nhiều trường hợp học sinh mắc lỗi nhưng chưa bao giờ cô áp dụng biện pháp đuổi học. Thay vào đó, cô phối hợp với phụ huynh để cùng nhắc nhở, giáo dục các em.

“Khi học sinh phạm lỗi, các em thường không nhận thức hết vấn đề, nếu buộc thôi học sẽ làm các em mất cơ hội sửa chữa. Do vậy cần sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh để có những giải pháp giáo dục, xử lý kỷ luật phù hợp nhất, tạo cơ hội để các em sửa chữa những sai lầm nhất thời gây ra. Thông tư mới này đã làm được điều này tôi thấy rất mừng, đây là điểm thay đổi tích cực” - cô Diễm nói.

Còn  BĐ Lê Thị Ngọc Hiền, giáo viên Trường THCS Thống Nhất (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, cô tâm đắc nhất là dự thảo thông tư về khen thưởng, kỷ luật quy định áp dụng mức kỷ luật cao nhất là học sinh bị tạm dừng học tập tối đa 2 tuần (không đuổi học 1 năm như quy định tại Thông tư 08/TT-BGDĐT ngày 21-3-1988). Đồng thời, trong quá trình kỷ luật, trường sẽ có bộ phận theo dõi, giúp đỡ và dùng biện pháp giáo dục tích cực đối với học sinh chứ không “thả nổi” như quy định cũ. Theo cô Hiền, điều này thể hiện được tinh thần “giáo dục tích cực”, mang tính nhân văn và phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay.

Nhiều ý kiến BĐ cho rằng, việc xây dựng thông tư mới về việc khen thưởng, kỷ luật học sinh hiện nay là điều cần thiết bởi các quy định hiện hành đã quá lỗi thời. Trong đó, BĐ đánh giá cao các biện pháp kỷ luật tích cực tại dự thảo thông tư mới của Bộ GD-ĐT như: khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý; yêu cầu học sinh thực hiện nhiệm vụ lao động phù hợp, vừa sức như: trực nhật, vệ sinh lớp học, trường học, dọn dẹp thư viện, trồng hoặc chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường...

* Linh động hơn khi triển khai

Bên cạnh các biện pháp kỷ luật tích cực, các hình thức kỷ luật như: sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân… được nhiều BĐ nhận định là thiết thực.

“Không chỉ xóa bỏ các kiểu xử phạt tiêu cực, xúc phạm nhân phẩm học sinh như khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước toàn trường..., thông tư mới còn tăng cường đưa ra các giải pháp giúp học sinh điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm, đây là điều mà nhiều phụ huynh mong chờ” - BĐ Đỗ Thị Linh (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Nhận xét về chính sách khen thưởng, BĐ Phạm Nguyễn Hải Yến, giáo viên Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP.Biên Hòa) chia sẻ, dự thảo thông tư mới về việc khen thưởng, kỷ luật rút từ 7 hình thức khen thưởng xuống còn 4 nhưng vẫn bao quát hết được tất cả hình thức. Quy định kịp thời khen ngợi, biểu dương học sinh trước lớp, trước toàn trường khi các em có kết quả học tập, rèn luyện hay việc làm tốt, dù là nhỏ sẽ tạo động lực cho các em trong học tập.

Việc kỷ luật đối với học sinh vi phạm khi áp dụng biện pháp tạm dừng học tập thay thế cho việc đuổi học theo quy định mới là quy định được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, để phát huy được tính tích cực của thông tư mới, một số BĐ kiến nghị nên để việc quyết định thời gian tạm dừng học tập bao lâu cho hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định sẽ phù hợp hơn. Nhà trường sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể, hậu quả, mức độ vi phạm và nhận thức của học sinh mà quyết định áp dụng các biện pháp giáo dục phù hợp, nhằm giúp học sinh tiến bộ hơn.

Kim Liễu

Tin xem nhiều