Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy định mới về lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà

10:09, 30/09/2020

Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an vừa ban hành Công văn số 3288/CP07-P4 hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an vừa ban hành Công văn số 3288/CP07-P4 hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Các công trình điện mặt trời ở nhà dân tuy không cần thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn khi lắp đặt, vận hành. Trong ảnh: Một nhà dân ở TP.Long Khánh lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ảnh: C.T.V
Các công trình điện mặt trời ở nhà dân tuy không cần thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn khi lắp đặt, vận hành. Trong ảnh: Một nhà dân ở TP.Long Khánh lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ảnh: C.T.V

Công văn có những hướng dẫn, quy chuẩn, cảnh báo chi tiết, thiết thực khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

* Nguy cơ cháy, nổ từ hệ thống điện mặt trời mái nhà

Thời gian gần đây, “làn sóng” lắp điện mặt trời trên mái nhà “nở rộ”, nhất là sau khi có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Bên cạnh những tiện ích thì việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ nếu việc lắp đặt, thi công không đảm bảo các quy định về PCCC.

Trong thời gian qua ở một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đã xảy ra các vụ cháy xuất phát từ hệ thống điện mặt trời mái nhà. Cụ thể vào chiều 23-9, hệ thống điện mặt trời áp mái nhà xưởng của một công ty điện tại Cụm Công nghiệp Diên Phú (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) bất ngờ bốc cháy, làm khoảng 120m2 tấm pin mặt trời bị thiêu rụi. Tại Đồng Nai, chiều 9-6, 1 tủ điện hệ thống điện mặt trời tại TP.Long Khánh đã bị sét đánh gây cháy nhưng may mắn được dập tắt kịp thời.

Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an, nguyên nhân gây ra cháy các tấm pin năng lượng mặt trời có thể do sự phóng điện hồ quang xảy ra trong quá trình chuyển đổi năng lượng quang điện, chẳng hạn như các điểm nóng, vết nứt và sự lão hóa sẽ làm giảm việc phát điện và làm hỏng các viên pin, dẫn đến quá nhiệt (nhiệt độ tăng cao vượt ngưỡng an toàn) và xảy ra cháy. Ngoài ra, do được lắp đặt ở điểm cao nhất trên công trình nên xác suất kết cấu này bị nguy hiểm do sét đánh luôn ở mức cao, dẫn đến hư hại đối với kết cấu công trình và nguy cơ cháy, nổ.

* Cần chú ý an toàn khi lắp đặt

Do các tính chất nguy hiểm trên, nên Mục 2 của công văn 3288/CP07-P4 đã quy định cụ thể đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP  (ngày 31-7-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC) thì phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Cụ thể một số dự án, công trình do cơ quan cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC là: dự án quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường dạy nghề, trường phổ thông; bệnh viện cấp huyện trở lên; chợ kiên cố cấp huyện trở lên; chợ khác, trung tâm thương mại, siêu thị có tổng diện tích gian hàng từ 300m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1 ngàn m3 trở lên; nhà chung cư cao 5 tầng trở lên,  nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5 ngàn m3 trở lên.

Riêng đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình không thuộc Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thì không phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC trong đó có công trình của nhà dân nhưng cần hướng dẫn, khuyến cáo chủ đầu tư thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với hệ thống này. Vì vậy, không ít người lo lắng khi công trình nhà ở trong khu dân cư không nằm trong danh mục phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC thì liệu có đảm bảo an toàn về PCCC.

Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã khuyến cáo các tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái phải được chia thành các nhóm, dãy với kích thước không quá 40x40m cho mỗi nhóm, khoảng cách giữa 2 nhóm không được nhỏ hơn 1,5m. Đối với các mái có bố trí lan can xung quanh theo chu vi mái phải bố trí tấm pin cách lan can một khoảng 2,5m; không bố trí tấm pin trong phạm vi 3m xung quanh lối ra mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy, các lỗ mở qua cửa sập.

Tuy nhiên, theo kỹ sư một công ty chuyên lắp đặt hệ thống điện mặt trời có trụ sở tại TP.HCM, việc quy định không bố trí tấm pin trong phạm vi 3m xung quanh lối ra mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy, các lỗ mở qua cửa sập sẽ rất khó lắp đặt đối với nhà tại đô thị san sát nhau. Vị kỹ sư này nhận định nên để cơ quan chức năng thẩm duyệt toàn bộ các công trình có lắp từ một lượng pin năng lượng mặt trời nhất định trở lên. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ có đánh giá độ an toàn của công trình cũng như khả năng tối đa mỗi mái chịu được.

Ông Nguyễn Văn An (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) kiến nghị: “Không chỉ quy định chi tiết về các công trình phải thẩm duyệt về an toàn PCCC mà cơ quan chức năng cần phải thẩm duyệt cả các công trình nhà ở khi có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Vì các tấm này được lắp trên cao và đấu nối trực tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống nên phải xem xét nguy cơ sập đổ, sét đánh, ảnh hưởng đến các công trình lân cận”.

Minh Thành

Tin xem nhiều