Báo Đồng Nai điện tử
En

Rủi ro khi mua nhà, đất tại các dự án chưa đầy đủ các điều kiện pháp lý

10:09, 21/09/2020

Liên tiếp trong tuần qua, Báo Đồng Nai và nhiều báo ở TP.HCM đăng tải các bài viết phản ánh về việc hàng loạt giám đốc công ty bất động sản có các "dự án ma" tại các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai bị tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai.

Liên tiếp trong tuần qua, Báo Đồng Nai và nhiều báo ở TP.HCM đăng tải các bài viết phản ánh về việc hàng loạt giám đốc công ty bất động sản có các “dự án ma” tại các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai bị tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai.

Khách hàng giăng băng-rôn kêu cứu và tố cáo Giám đốc Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Trần Danh
Khách hàng giăng băng-rôn kêu cứu và tố cáo Giám đốc Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Trần Danh

Vì sao nhiều người lại dễ dàng đổ tiền đầu tư vào các dự án chưa đầy đủ các điều kiện pháp lý; các công ty bất động sản lừa đảo tổ chức quảng cáo mua bán đất rầm rộ lẽ nào cơ quan chức năng không hay biết… là điều mà nhiều BĐ thắc mắc sau khi đọc các bài báo về dự án ma, trong đó có loạt bài Lật tẩy chiêu thức lập “dự án ma” để lừa đảo đăng trên Báo Đồng Nai số ra ngày 6-9.

* Rước rủi ro vì thiếu thông tin

BĐ Đoàn Thị Hiền (ngụ xã Phú Ngọc, H.Định Quán) cho rằng, lĩnh vực kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua diễn ra khá sôi nổi. Nhiều dự án khu dân cư được các công ty bất động sản tiếp thị, quảng cáo đủ mọi hình thức nhằm lôi kéo người có nhu cầu. “Đọc bài Lật tẩy chiêu thức lập “dự án ma” để lừa đảo đăng trên Báo Đồng Nai mới thấy thủ đoạn của các công ty lừa đảo khá tinh vi và liều lĩnh. Họ dám lấy đất của người khác rồi tự vẽ dự án khu dân cư để đem bán. Còn người mua thì thiếu cảnh giác, cả tin nên dễ dàng rơi vào “bẫy” của các công ty lừa đảo” - bà Hiền nhận xét.

Còn BĐ Nguyễn Văn Thiện (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) nhận định, nguyên nhân nhiều người dễ dàng đổ tiền tỷ đầu tư vào các dự án chưa đầy đủ các điều kiện pháp lý là do thiếu thông tin. Người mua không tìm hiểu, xác thực các thông tin về dự án bất động sản mình muốn mua mà lại chỉ nghe một chiều từ người bán. Do đó, họ dễ bị sập “bẫy” vì đối tượng môi giới dùng những lời chào mời hấp dẫn, nào là dự án đang có chiết khấu cao, đây là suất nội bộ giá rẻ… Sợ lỡ mất cơ hội đầu tư nên nhiều người đã nhanh chóng xuống tiền đặt mua để rồi mất trắng.

Chia sẻ về việc trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo bán đất, BĐ N.V.H. (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) cho biết, có người mua dự án nhà đất vì tài chính eo hẹp không đủ khả năng mua các khu đất hợp pháp vì giá cao, nên chấp nhận mua các khu đất còn đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục pháp lý nên rất khó tránh khỏi những rủi ro.

* Ngăn chặn “dự án ma”

Từ kinh nghiệm bản thân, theo BĐ N.V.H. để tránh bị lừa người mua nên yêu cầu bên bán cung cấp hồ sơ pháp lý chứng minh dự án nhà, đất đủ điều kiện mua bán. Sau đó liên hệ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi nhà đất tọa lạc xác nhận tính pháp lý của khu nhà, đất trước khi bỏ tiền mua.

“Mong muốn có một chỗ ở để an cư lập nghiệp là nhu cầu chính đáng của nhiều người, nhất là những người dân từ các tỉnh, thành khác đến Đồng Nai sinh sống và làm việc lâu dài. Sẽ rất khó khăn nếu số tiền dành dụm nhiều năm trời lại chui vào túi của các công ty bất động lừa đảo. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp quản lý, để tình trạng lừa đảo như trên không còn xảy ra trên địa bàn tỉnh; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm của các công ty bất động sản làm ăn phi pháp” - BĐ Võ Thành Sơn (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) kiến nghị.

Tương tự, BĐ Nguyễn Thị Hiền (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, chính quyền cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi phạm pháp của các đối tượng lừa đảo. “Các công ty bất động sản thường tổ chức quảng cáo sản phẩm và có đội ngũ tiếp thị rất hùng hậu. Việc rao bán diễn ra khá công khai, sẽ không thuyết phục nếu cho rằng chính quyền địa phương không biết việc này. Còn nếu biết thì tại sao không có biện pháp gì để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời” - bà Hiền thắc mắc.

Theo nhiều BĐ, để không sập “bẫy” của các đối tượng lừa đảo, người mua đất ngoài việc tìm hiểu kỹ yếu tố pháp lý của các dự án trước khi quyết định đầu tư cũng nên tỉnh táo trước những nhà, đất được chào mời "giá rẻ, lợi nhuận cao". Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ thông tin cho người dân bằng cách cập nhật cơ sở dữ liệu nhà đất, công bố trên cổng thông tin để người dân dễ dàng tra cứu, tránh được rủi ro không đáng có.

Kim Liễu

Tin xem nhiều