Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có chế tài buộc gỡ bỏ các clip có nội dung xấu trên mạng xã hội

10:10, 12/10/2020

Thời gian qua, nhiều chủ kênh/trang mạng xã hội (MXH) như: Facebook, Zalo, YouTube... thường xuyên đăng tải các clip có nội dung mang tính chất bạo lực, phản cảm.

Thời gian qua, nhiều chủ kênh/trang mạng xã hội (MXH) như: Facebook, Zalo, YouTube... thường xuyên đăng tải các clip có nội dung mang tính chất bạo lực, phản cảm. Một số người đăng clip phản cảm đã bị cơ quan chức năng các cấp xử phạt nhưng các clip này vẫn không bị tháo gỡ, tiếp tục thu hút lượt xem cao và đem đến thu nhập cho chủ kênh/trang MXH ấy. Đây là điều được nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai quan tâm, phản ảnh.

Clip nấu cháo gà nguyên lông của Hưng Vlog được một mạng xã hội khác đăng lại. Ảnh chụp màn hình
Clip nấu cháo gà nguyên lông của Hưng Vlog được một mạng xã hội khác đăng lại. Ảnh chụp màn hình

 

* Tràn lan clip nhảm nhí, phản cảm

Hiện nay, do tính liên kết của những trang MXH nên không khó để người dùng có thể tìm các clip có nội dung nhảm nhí đăng tải trên MXH như: thử thách làm một hành động “điên rồ”; clip ca nhạc có hình ảnh minh họa đầy bạo lực; phim thể loại “giang hồ” với nhiều tình tiết kích động bạo lực...

BĐ Nguyễn Hữu Thọ (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) bày tỏ: “Trước đây, MXH tại Việt Nam nổi lên với các clip bình luận game, trò chuyện theo một chủ đề nhất định hoặc bày tỏ quan điểm về những vấn đề dư luận quan tâm theo cách hài hước. Nhưng khoảng 3-5 năm nay, nhiều clip có nội dung nhảm nhí xuất hiện dày đặc. Ban đầu là sự hài hước, sau đó dần chuyển sang bạo lực và phản cảm”.

Theo Bộ TT-TT, đến đầu năm 2020 đã có tổng cộng 614 MXH được cấp phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, các MXH có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chiếm dưới 10%. Trong khi đó, số lượng người Việt Nam sử dụng Facebook là khoảng 64 triệu người và YouTube là gần 35 triệu người.

 

Nội dung các clip nhảm nhí này ảnh hưởng rất nhiều đến người xem, nhất là lứa tuổi thiếu niên, khi nhân cách đang dần hình thành. Với một “công thức” chung như sau, chủ kênh/trang MXH thực hiện nhiều clip gây ấn tượng mạnh thu hút lượt xem, like và theo dõi, từ đó kiếm được tiền từ quảng cáo (trực tiếp từ các thương hiệu có nhu cầu quảng cáo trên clip hoặc gián tiếp do MXH trả). Sau đó, để duy trì lượt xem, like, chủ clip đã thực hiện nhiều nội dung gây “sốc” hơn nữa. Cụ thể như hàng loạt các clip ăn uống phản cảm trên kênh YouTube, trong đó có clip ăn cháo gà nguyên lông...

Nguy hiểm hơn, không chỉ dừng lại ở các clip ngắn với nội dung nhảm nhí, nhiều trang MXH (do một nhóm người cùng điều hành) đã tự lên kịch bản, quay, dựng và phát hành các bộ phim trên MXH mà không cần phải qua kiểm duyệt. Trong đó nhiều bộ phim dài tập, thời lượng mỗi tập lên đến hàng chục phút với những pha hành động đậm tính bạo lực, được dàn dựng công phu. Đặc biệt, có những bộ phim dài tập do những “giang hồ mạng” thực hiện, thu hút hàng triệu lượt xem.

BĐ Nguyễn Thế Anh (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) bày tỏ lo lắng: “Những bộ phim ấy do nhiều “giang hồ mạng” thủ vai chính, truyền đạt những tư tưởng sẵn sàng giải quyết tranh chấp bằng bạo lực. Và chính những hành động nguy hiểm nhưng lại nhận được nhiều lời tung hô, nhiều tiền quảng cáo hơn đã khiến không ít thiếu niên lầm tưởng đó là cách kiếm tiền dễ dàng, khẳng định bản thân và bắt đầu học theo. Bằng chứng là sau khi “giang hồ mạng” Khá Bảnh nổi lên, nhiều kênh bắt đầu đăng lại clip của Khá Bảnh; nhiều chủ kênh/trang MXH tìm tới nhà Khá Bảnh để làm quen, quay clip để “mượn hơi” tăng lượt theo dõi; nhiều người tự nhận “em Khá Bảnh” và bắt đầu thực hiện nhiều clip gây “sốc” tương tự...”.

* Kiến nghị gỡ bỏ những clip có nội dung xấu

Ngày 7-10, Nguyễn Văn Hưng (chủ kênh Hưng Vlog) đã bị Sở TT-TT tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng vì đăng clip: “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết”. Trước đó, ngày 10-9, Nguyễn Văn Hưng cũng đã bị Sở TT-TT tỉnh Bắc Giang phạt 7,5 triệu đồng vì đăng clip: “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”. Hiện nay, kênh YouTube Hưng Vlog đã gỡ clip nói trên.

Việc xử lý nói trên đã được dư luận ủng hộ, nhất là những người có con em đang ở tuổi vị thành niên, dễ bị ảnh hưởng và làm theo.

Tuy nhiên, hiện nay trên internet vẫn tồn tại một số kênh, clip mang tính chất bạo lực nhưng vẫn chưa được tháo gỡ như: các tập phim Ơn nghĩa giang hồ đăng trên kênh YouTube và được tự giới thiệu là bộ phim xã hội đen hay nhất năm 2019.

BĐ Huỳnh Thanh Sang (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) kiến nghị: “Các cơ quan chức năng cần có biện pháp chủ động tháo gỡ, xóa bỏ những kênh, clip mang tính bạo lực như trên. Không thể để các kênh, clip này tồn tại gây ảnh hưởng đến giới trẻ”.

BĐ Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) nói thêm, sắp tới tại dự thảo sửa đổi Luật Điện ảnh nên thêm vào việc kiểm duyệt các phim tự sản xuất đăng tải trên MXH. Tránh tình trạng siết các cơ sở làm phim nghiêm túc mà lại buông lỏng những nhóm làm phim “giang hồ mạng”.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định, người dùng MXH sẽ bị phạt từ
10-20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn.

Tuy nhiên, luật sư Định cũng cho rằng, nên quy định chặt chẽ hơn về việc yêu cầu xóa kênh/trang MXH nếu người dùng vi phạm quá số lần nhất định. Từ đó, buộc người dùng MXH phải có trách nhiệm hơn với nội dung đăng tải.

Đông Hồ

Tin xem nhiều