Báo Đồng Nai điện tử
En

Không dễ xử lý những người 'bùng' hàng online

10:10, 21/10/2020

"Bùng" hàng hoặc "bom" hàng là tình huống người mua hàng, đặt hàng qua mạng xã hội nhưng không nhận khi được giao, nhất là các loại thực phẩm, khiến những người vận chuyển (shipper) phải khổ sở. Trên thực tế, rất khó để xử lý các trường hợp "bùng" hoặc "bom" hàng.

“Bùng” hàng hoặc “bom” hàng là tình huống người mua hàng, đặt hàng qua mạng xã hội nhưng không nhận khi được giao, nhất là các loại thực phẩm, khiến những người vận chuyển (shipper) phải khổ sở. Trên thực tế, rất khó để xử lý các trường hợp “bùng” hoặc “bom” hàng.

Một số chủ cửa hàng online đã chọn giải pháp đăng hình ảnh người “bùng” hàng lên mạng xã hội để cảnh báo cho các cửa hàng khác.
Một số chủ cửa hàng online đã chọn giải pháp đăng hình ảnh người “bùng” hàng lên mạng xã hội để cảnh báo cho các cửa hàng khác.

* Xảy ra thường xuyên

Tranh thủ thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập, anh N.V.Q. (sinh viên năm 2, Trường đại học Đồng Nai) đăng ký làm shipper cho một cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đặc sản vùng miền tại P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) hơn 1 năm nay. Anh được trả công 10-30 ngàn đồng/đơn hàng giao trong nội ô TP.Biên Hòa; tuy nhiên, nếu bị “bom” hàng, xem như anh mất tiền công, tiền xăng của đơn hàng đó.

Anh N.V.Q bày tỏ: “Trước khi đi, tôi thường gọi trước cho người mua để xác nhận, có những người vẫn đồng ý lấy nhưng khi đến nơi thì họ “lặn” mất tăm hoặc chỉ đường vòng vo rồi không liên lạc được. Những lần như vậy cả chủ cửa hàng lẫn tôi rất bức xúc. Việc “bùng” hàng ngoài việc ảnh hưởng thời gian, thu nhập của tôi còn ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm chế biến sẵn do phải vận chuyển đi lại nhiều lần, thời gian lâu”.

Do việc đặt hàng online chủ yếu là thực phẩm (nước uống, thức ăn) nên quá trình vận chuyển phải nhanh chóng, thời gian trữ hàng không thể lâu, tình trạng “bùng” hàng này gây ảnh hưởng rất lớn, nhất là với shipper của các ứng dụng đặt thức ăn nhanh. Họ phải bỏ tiền túi để trả trước cho cửa hàng, sau đó mới thu lại từ người mua, nên khi bị “bùng” hàng, họ phải chịu mất trắng.

Riêng với những đơn hàng là quần áo, vật dụng, khách sẽ đặt hàng trực tiếp với cửa hàng online và thỏa thuận về hình thức vận chuyển. Do giá trị mỗi đơn hàng tương đối nhỏ, khoảng dưới 1 triệu đồng nên thường các chủ shop không yêu cầu khách chuyển khoản trước mà dùng hình thức thu tiền tại nhà sau khi nhận hàng. Khi đó, việc “bùng” hàng tuy không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nhưng sẽ gây ảnh hưởng thu nhập của cửa hàng.

Theo anh Nguyễn Toàn, một người kinh doanh quần áo online tại H.Trảng Bom cho biết: “Khi nhận được đơn đặt hàng, chủ shop sẽ chủ động liên hệ với các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa để gửi hàng. Khi khách “bùng” hàng, chủ shop sẽ phải mất 2 lần tiền vận chuyển mà không bán được món hàng đó”.

* Chưa có hình thức xử lý

Cách xử trí khi bị “bom” hàng, “bùng” hàng chủ yếu hiện nay là các đơn vị cung cấp dịch vụ đặt hàng, vận chuyển tận nhà chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ shipper bị “bùng” hàng bằng cách mua lại lượng hàng bị “bùng” theo một mức giá nhất định, thường thấp hơn giá thị trường. Do đó, shipper vẫn bị lỗ trong trường hợp này. Một số đơn vị kinh doanh còn áp dụng hình thức khóa tài khoản mạng xã hội của khách “bùng” hàng, đến khi khách liên lạc và có hình thức đền bù thỏa đáng thì mới mở khóa. Ngoài ra, một số nhóm mạng xã hội do các chủ cửa hàng online, shipper lập ra còn nêu đích danh nhưng khách đã “bom” hàng, “bùng” hàng để các cửa hàng, shipper khác cảnh giác. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp bị động nhằm “chữa cháy” tạm thời với hành vi “bom” hàng liên tục diễn ra trong thời gian qua.

Một trong những nỗi lo lớn nhất của các shipper thức ăn nhanh là bị khách “bùng” hàng. Trong ảnh: Một shipper thức ăn nhanh ở TP.Biên Hòa mua hàng chuẩn bị giao cho khách. Ảnh: M.Thành
Một trong những nỗi lo lớn nhất của các shipper thức ăn nhanh là bị khách “bùng” hàng. Trong ảnh: Một shipper thức ăn nhanh ở TP.Biên Hòa mua hàng chuẩn bị giao cho khách. Ảnh: M.Thành

Luật sư Ngô Văn Định, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) phân tích, tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 về thương mại điện tử cũng chỉ nêu trách nhiệm của bên bán chứ chưa nêu trách nhiệm của người đặt hàng, người mua hàng.

Cụ thể, tại Điều 76, Nghị định 52/2013/NĐ-CP nêu rõ, tranh chấp giữa thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng phải được giải quyết trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng công bố tại website vào thời điểm giao kết hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan và việc giải quyết tranh chấp phải thông qua thương lượng giữa các bên, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án theo các thủ tục, quy định hiện hành về giải quyết tranh chấp.

Một số chủ cửa hàng kinh doanh online ở TP.Biên Hòa cho biết, giá trị một đơn hàng thường không lớn, lại chỉ thỏa thuận qua tin nhắn chứ không có hợp đồng điện tử nên khó kiện. Vì vậy, khi gặp tình trạng “bom” hàng, họ thường “cắn răng” chịu đựng hoặc kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.

Trước thực trạng trên, một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai cho rằng, hiện nay, khách hàng thường dùng tài khoản mạng xã hội để đăng ký mua hàng hoặc đăng ký tài khoản trên các ứng dụng mua hàng online và vận chuyển tận nhà. Trước khi nhận đơn hàng có giá trị lớn, người bán cũng nên yêu cầu người mua xác nhận mã số qua email, số điện thoại để xác định người đặt hàng là chính chủ của tài khoản mạng xã hội hoặc chính chủ thuê bao điện thoại chứ không phải giả mạo.

Trong trường hợp khách hàng cố tình “bùng” hàng có giá trị lớn thì cần khởi kiện họ ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại. Từ đó, sẽ đảm bảo quyền lợi cho người bán cũng như trách nhiệm cho người mua, giảm bớt tình trạng “bom” hàng có giá trị lớn đối với shipper. Chính việc chưa người “bùng” hàng nào bị khởi kiện hay xử phạt cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng “bùng” hàng ngày càng phổ biến.

Minh Thành

Tin xem nhiều