Mới đây, vụ án nữ sinh viên năm thứ nhất Học viện Ngân hàng (TP.Hà Nội) T.T.H. (18 tuổi, ngụ xã Nguyễn Trãi, H.Thường Tín, TP.Hà Nội) bị 2 đối tượng nghiện ma túy ra tay sát hại trên đường đi học về để cướp tài sản đã gây chấn động dư luận.
Mới đây, vụ án nữ sinh viên năm thứ nhất Học viện Ngân hàng (TP.Hà Nội) T.T.H. (18 tuổi, ngụ xã Nguyễn Trãi, H.Thường Tín, TP.Hà Nội) bị 2 đối tượng nghiện ma túy ra tay sát hại trên đường đi học về để cướp tài sản đã gây chấn động dư luận.
Học sinh cần được trang bị kiến thức về an toàn giao thông và các kỹ năng tự bảo vệ mình khi đi ra đường. Trong ảnh: Học sinh tự đi xe đạp điện đến trường trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải |
Vụ việc này cũng khiến nhiều phụ huynh ở Đồng Nai lo lắng khi cho con em đi học một mình.
* Tăng cường quản lý người nghiện trong cộng đồng
Nhiều người cho rằng, hiện nay, số người nghiện ma túy trong cộng đồng còn nhiều, các cơ quan chức năng cần “siết chặt” hơn trong việc quản lý các đối tượng này để ngăn chặn, phòng ngừa các đối tượng này gây án.
Ông Trần Huy Tân (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho hay: “Khi đọc những thông tin về vụ án mạng gây ra cái chết cho nữ sinh viên Học viện Ngân hàng, tôi thấy rất căm phẫn hành vi tàn độc của thủ phạm. Chỉ vì cướp vài triệu đồng mà nỡ ra tay sát hại nữ sinh viên này. Tôi thực sự chia sẻ sự mất mát, nỗi đau với gia đình nạn nhân. Qua đây, tôi mong những người có trách nhiệm tăng cường quản lý những người nghiện ma túy trong cộng đồng, để kịp thời ngăn chặn không để các đối tượng này tiếp tục gây ra những hành vi vi phạm pháp luật”.
Ông Tân nói: “Hiện có nhiều người nghiện ma túy sẵn sàng vi phạm pháp luật để có tiền sử dụng ma túy. Nếu phát hiện sớm, có biện pháp ngăn chặn việc sử dụng ma túy trái phép, nhất là trong giới trẻ, sẽ ngăn ngừa được những mầm mống tội phạm” - ông Tân nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ án nghiêm trọng do những người nghiện ma túy gây ra. Điều này dấy lên nỗi lo trong cộng đồng bởi những người nghiện ma túy chưa được quản lý chặt chẽ, luôn là hiểm họa cho xã hội. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có một cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, mang tính răn đe, giáo dục đối với những người nghiện ma túy trong cộng đồng.
Cùng suy nghĩ trên, bà Nguyễn Thị Anh Đài (ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom) cho rằng, phương pháp giáo dục, thuyết phục thay cho các biện pháp cưỡng chế, kể cả với những người tái nghiện ma túy nhiều lần, được cơ quan chức năng áp dụng lâu nay là chưa phù hợp hoặc có tác dụng không như mong đợi. Thực tế, trong thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai đã có nhiều người nghiện ma túy không làm chủ được bản thân, có hành động quá khích gây hại cho gia đình và cộng đồng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.
* Chủ động phòng ngừa tình huống nguy hiểm
Bên cạnh các ý kiến đề xuất tăng cường quản lý người nghiện ma túy tại cộng đồng, nhiều người bày tỏ sự đồng tình khi đọc phân tích về tâm lý tội phạm của trung tá Đào Trung Hiếu, thạc sĩ, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) đăng trên các phương tiện truyền thông mới đây.
Theo ông Hiếu phân tích, các nghi phạm là người nghiện ma túy thường có đặc điểm tâm lý cá nhân chứa đựng sẵn những lệch lạc, lệch chuẩn, tiêu cực như: sự ích kỷ, độc ác, hành động theo bản năng hướng đến việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất thô thiển. Khi gặp phải tình huống thuận lợi (nạn nhân có tài sản; dễ tấn công, khống chế vì có một mình, trong điều kiện trời tối, vắng vẻ...), sẽ khiến các đối tượng bộc phát ra tay phạm tội.
“Từ phân tích trên, theo tôi, để không xảy ra những vụ án đau lòng do người nghiện ma túy gây ra, ngoài việc cần quản lý người nghiện chặt chẽ để họ không có cơ hội hành động tội ác theo bản năng, thì người dân nên lưu ý không để mình rơi vào tình huống thuận lợi cho tội phạm hành động: không đi một mình trên đường vắng, không mang theo tài sản…” - bà Nguyễn Thị Minh (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nói.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Linh (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) chia sẻ, con gái chị đang học lớp 6, do không có điều kiện đưa đón nên hằng ngày cháu phải đến trường bằng xe đạp điện. Vụ án mạng xảy ra đối với nữ sinh viên Học viện Ngân hàng nêu trên làm chị thấy rất bất an vì thấy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi con đi học một mình.
Do đó, ngoài hướng dẫn cho con chạy xe an toàn, chị còn hướng dẫn cho con cách xử lý tình huống khi đi đường gặp đối tượng lạ mặt có dấu hiệu đáng nghi. Cụ thể như: khi đi học và ra về nên đi cùng các bạn, không dừng xe nơi đường vắng; nếu phát hiện đối tượng khả nghi cần đi nhanh đến chỗ đông người như vào cửa hàng, quán ăn để kẻ xấu không có cơ hội tiếp cận… Đặc biệt, chị Linh không để các con sử dụng phương tiện đi lại, các tài sản có giá trị cao vì như thế khác nào tự biến con mình thành “con mồi” cho tội phạm.
Tuy nhiên, theo chị Linh và nhiều phụ huynh khác, rất khó phòng tránh nếu con mình vô tình bị rơi vào tầm ngắm của các đối tượng tội phạm, nhất là đối tượng nghiện ma túy. Vì vậy, nhiều phụ huynh đề xuất ngành GD-ĐT phối hợp với ngành Công an thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền về những âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm; dạy kỹ năng về ứng phó các tình huống nguy hiểm như: bắt cóc, xâm hại tình dục, cướp, giật tài sản… cho học sinh, sinh viên để giúp các em phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra trên đường đến trường và ngược lại.
Kim Liễu