Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại

11:10, 15/10/2020

Trong thời gian gần đây, bộ mặt giao thông Đồng Nai đã chuyển mình rõ nét với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có những bước đột phá đầy ấn tượng. Chất lượng vận tải cũng ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong thời gian gần đây, bộ mặt giao thông Đồng Nai đã chuyển mình rõ nét với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có những bước đột phá đầy ấn tượng. Chất lượng vận tải cũng ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015, có lưu lượng xe qua lại rất đông. Ảnh: Thanh Hải
Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015, có lưu lượng xe qua lại rất đông. Ảnh: Thanh Hải

Báo Đồng Nai giới thiệu bài viết của bạn đọc (BĐ) Lệ Bình (ngụ TP.Biên Hòa) xung quanh vấn đề này.

* Nhiều dự án, công trình lớn

Minh chứng rõ nhất là các tuyến đường như: quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51 đi qua địa bàn tỉnh đều đã được sửa sang, nâng cấp. Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đầu tư và đưa vào sử dụng giúp kết nối, giao thương giữa 3 tỉnh TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, các dự án đường cao tốc đang triển khai như: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và giúp người dân lưu thông thuận lợi, an toàn.

Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đầu tư nâng cấp, mở rộng. Từ hệ thống đường tỉnh, đường huyện đến đường giao thông nông thôn đã tạo được sự liên kết; đồng thời kết nối với mạng lưới giao thông ở các tỉnh lân cận.

Sắp tới đây, Chính phủ sẽ khởi công xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại H.Long Thành hứa hẹn sẽ cùng tạo nên một mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh, thông suốt và có tính kết nối cao trong tương lai không chỉ riêng Đồng Nai mà các địa phương khác trong khu vực miền Đông Nam bộ. Có thể nói, chưa bao giờ hạ tầng giao thông trong tỉnh có bước phát triển nhanh và mạnh mẽ như hiện nay.

Các dự án hạ tầng này hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho tỉnh khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế để từng bước phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Có được kết quả đó, ngoài nhờ nguồn vốn nhà nước luôn được ưu tiên dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm quốc gia, thì việc huy động tối đa mọi nguồn lực khác cho đầu tư phát triển và bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cũng mang lại nhiều hiệu quả.

* Hạ tầng giao thông phải “đi trước một bước”

Bên cạnh những mặt đạt được thì theo tôi vẫn còn nhiều vấn đề đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời. Nhiều tuyến đường có mặt đường nhỏ hẹp, trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một gia tăng, điều này dẫn đến những bất cập về kẹt xe, ùn tắc và mất an toàn giao thông.

Hầm chui Tân Phong (TP.Biên Hòa) khánh thành và đi vào sử dụng  giúp giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực ngã tư Tân Phong. Ảnh: Thanh Hải
Hầm chui Tân Phong (TP.Biên Hòa) khánh thành và đi vào sử dụng giúp giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực ngã tư Tân Phong. Ảnh: Thanh Hải

Tình trạng kẹt xe tại các đô thị ở TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch diễn ra phổ biến hơn. Đặc biệt, tại các tuyến quốc lộ, trục đường chính kết nối với các khu công nghiệp đang dần quá tải gây nên tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên vào các giờ cao điểm.

Vấn đề kẹt xe không chỉ làm phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp, đơn vị vận tải mà còn là nỗi khổ của người tham gia giao thông, người dân sống hai bên đường. Để giải quyết những bất cập, tồn tại này, ngoài các phương án, điều chỉnh trước mắt tôi thiết nghĩ tỉnh cần có đánh giá tổng thể về lâu dài, giải pháp căn cơ hơn nữa. Tránh tình trạng giải quyết được điểm này lại gây ùn tắc ở điểm khác.

Việc đầu tư cần đồng bộ các giải pháp với nhau, trong đó các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Ðồng Nai cần nhanh chóng xây dựng phương án mở rộng đường sá bảo đảm giao thông ở các tuyến đường kết nối thông suốt, an toàn. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển; người dân cũng được lưu thông thuận lợi hơn.

Đặc biệt là khi cảng hàng không quốc tế Long Thành bắt đầu triển khai xây dựng thì công tác quy hoạch các tuyến giao thông kết nối vào khu vực sân bay cần được tính toán hợp lý. Trong đó, hệ thống đường giao thông kết nối đường cao tốc, các tuyến đường địa phương giúp phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kịp thời.

Để làm được những việc này, theo tôi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải “đi trước một bước” theo hướng đồng bộ, hiện đại giúp Đồng Nai kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước với nhau. Từ đây tháo gỡ các điểm nghẽn về giao thông và tạo điều kiện để Đồng Nai bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế của một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 Lệ Bình (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều