Báo Đồng Nai điện tử
En

Sử dụng laptop, điện thoại khi đang sạc pin: Hiểm họa khôn lường

09:10, 29/10/2020

Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai xảy ra một số vụ cháy, nổ thiết bị điện tử (chủ yếu là điện thoại di động, laptop) trong lúc sạc pin, gây thương tích cho người đang sử dụng, hư hỏng tài sản.

Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai xảy ra một số vụ cháy, nổ thiết bị điện tử (chủ yếu là điện thoại di động, laptop) trong lúc sạc pin, gây thương tích cho người đang sử dụng, hư hỏng tài sản.

Thói quen vừa sạc điện thoại vừa sử dụng dễ gây nguy hiểm cho người dùng cần phải từ bỏ. Ảnh minh họa: Minh Thành
Thói quen vừa sạc điện thoại vừa sử dụng dễ gây nguy hiểm cho người dùng cần phải từ bỏ. Ảnh minh họa: Minh Thành

Dù biết nguy hiểm nhưng do thói quen nên còn không ít người chủ quan, vẫn sử dụng điện thoại, laptop trong lúc sạc pin, kể cả khi thiết bị nóng lên bất thường vẫn không chú ý.

* Biết nguy hiểm nhưng vẫn thờ ơ

Gần nhất vào chiều 22-10, 3 học sinh lớp 9 tại H.Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) sử dụng laptop đang sạc pin để học bài thì chiếc laptop phát nổ. Các mảnh linh kiện từ chiếc laptop bắn ra làm 3 em bị thương ở tay và mặt.

Tại Đồng Nai, tối 17-6-2019, một thanh niên 23 tuổi (ngụ H.Định Quán) trong lúc vừa sạc pin (bằng cục sạc dự phòng) vừa sử dụng điện thoại thì bất ngờ 2 thiết bị trên phát nổ, làm người sử dụng bị thương vùng mặt và ngực. Hoặc vào sáng 29-3-2018, tại khu nhà ở chuyên gia của một công ty tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom), 1 laptop đang cắm sạc để trên nệm đã bị chập điện, ngọn lửa bén vào nệm và nhanh chóng bùng lên gây ra cháy.

Theo cơ quan chức năng, tất cả các sự cố cháy, nổ điện thoại, laptop nêu trên đều liên quan đến quá trình sạc pin gặp sự cố. Do đó, việc sử dụng điện thoại, laptop trong lúc đang sạc rất nguy hiểm; việc này dù đã được cảnh báo nhiều lần trên các phương tiện truyền thông nhưng nhiều người vẫn không chú ý đề phòng.

Anh Phan Thanh Sang (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) - một người bán hàng online cho biết: “Do tính chất công việc, tôi phải trao đổi với khách hàng liên tục nên điện thoại nhanh hết pin và phải cắm sạc rồi tiếp tục làm việc. Thỉnh thoảng tôi có thấy các thông tin về cháy, nổ điện thoại gây bỏng, thương tích nhưng tôi nghĩ chỉ cần chú ý một chút, hạ nhiệt cho máy ngay khi quá nóng là sẽ ổn”.

Theo một số nhân viên bán hàng tại các cửa hàng chuyên bán điện thoại di động, máy tính tại TP.Biên Hòa, khách hàng chỉ quan tâm đến việc bảo hành, hậu mãi, chứ không hỏi thêm về cách sạc cho an toàn, thậm chí không đọc hướng dẫn sử dụng. Thậm chí vì sở thích cá nhân nên đã đổi các cục sạc, dây cáp thiết kế đẹp mắt, thay thế cho cục sạc, dây cáp chính hãng.

Anh Hoàng Văn Thành (kỹ thuật viên một trung tâm sửa chữa điện thoại trên đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa) nhận định: “Hầu hết các loại điện thoại hiện nay đều có chíp xử lý, kiểm soát xử lý điện tích nạp vào máy, nhận biết tình trạng pin đầy, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, cơ chế đảm bảo an toàn đó sẽ không hoạt động tốt nếu người dùng thay pin kém chất lượng, dùng cục sạc không tương thích, máy bị va đập mạnh ảnh hưởng đến pin... Tất cả đều có thể gây ra cháy, nổ pin điện thoại”.

* Cần thay đổi thói quen xấu

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến pin điện thoại, laptop phát nổ là nhiệt độ tăng cao, vượt ngưỡng an toàn mà nhà sản xuất cảnh báo. Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nhiệt độ khi sạc pin như: ốp lưng quá bí, thoát nhiệt kém; đặt điện thoại trên giường, nệm, gối khi đang sạc; nhiệt độ không gian xung quanh điện thoại nóng hơn bình thường (trong ô tô đậu ngoài trời nắng, cốp xe máy đang hoạt động)...

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho rằng: “Vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin là thói quen xấu nhưng khá phổ biến, cần phải từ bỏ càng sớm càng tốt. Đặc biệt, người dùng cũng cần chú ý không tiếp xúc với điện thoại đang sạc pin khi tay ướt; không sử dụng ở môi trường có nguy cơ cháy, nổ cao; đảm bảo đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách… Tốt nhất, nên hạn chế đặt điện thoại, máy tính lên nệm, giường... trong quá trình sạc hoặc sử dụng liên tục, do những chất liệu này có thể sẽ cản trở quá trình tản nhiệt”.

Anh Trần Quang, quản lý một cửa hàng kinh doanh điện thoại trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa) phân tích thêm, vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, laptop sẽ khiến pin điện thoại, laptop nhanh chóng bị “chai”. Kéo theo đó, thời gian sử dụng sẽ giảm, để tiếp tục sử dụng người dùng lại cắm sạc; như vậy điện thoại, laptop gần như không rời khỏi bộ sạc, pin nóng liên tục. Từ đó làm tăng nguy cơ cháy, nổ pin điện thoại, laptop. Ngoài ra, dùng điện thoại khi đang sạc còn dễ khiến người dùng bị điện giật do rò điện từ cục sạc, dây cáp không đảm bảo chất lượng hoặc đã cũ.

Để phòng ngừa cháy, nổ điện thoại, laptop khi đang sạc, một số kỹ thuật viên chuyên sửa chữa điện thoại, laptop tại TP.Biên Hòa cũng cảnh báo người dùng cần chú ý thay pin ngay khi phát hiện dấu hiệu lạ (phồng, tỏa nhiệt quá mức bình thường). Tránh để tình trạng pin hư hỏng nặng rồi mới thay, đồng thời, khi sạc cũng cần chú ý đến cường độ dòng điện in trên cục sạc (Ampe). Vì nếu dùng bộ sạc có cường độ dòng điện thấp hơn nhu cầu của thiết bị thì thời gian sạc sẽ bị kéo dài dẫn đến bộ sạc bị nóng hay không sạc được, từ đó gây hư hại cho pin, dễ dẫn đến sự cố cháy, nổ pin.

Minh Thành

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích