Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) là công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.
Đồng Nai giới thiệu bài viết của TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất với góc nhìn về những thành tựu đã đạt được và sự phát triển của ngành Y tế trong thời gian tới. Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) là công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Báo
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã được thay đổi diện mạo mới, khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Ảnh: Phương Liễu |
Nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong 5 năm qua (2015-2020), ngành Y tế Đồng Nai đã có sự phát triển đột phá cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và điều trị từ tỉnh đến cơ sở.
* Nhiều đột phá về chuyên môn
So với những năm trước, 5 năm trở lại đây, bằng sự quan tâm thiết thực đến sức khỏe của nhân dân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo điều kiện cho ngành Y tế không chỉ đầu tư phát triển các bệnh viện tuyến tỉnh mà còn cho toàn hệ thống y tế, bao gồm cả trung tâm y tế tuyến huyện, y tế tuyến xã ở cả hai hệ điều trị và dự phòng.
Tại các bệnh viện tuyến tỉnh đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại. Trong đó, Bệnh viện ĐK Đồng Nai được xây mới có quy mô tương đương các bệnh viện lớn trong khu vực Đông Nam Á, Bệnh viện ĐK Thống Nhất cũng được đầu tư xây mới và đưa vào sử dụng khu vực khám chữa bệnh ngoại trú.
Hiện khu điều trị 10 tầng với thiết kế theo tiêu chuẩn mô hình bệnh viện khách sạn của Bệnh viện ĐK Thống Nhất đang dần hoàn thiện, dự kiến đến giữa năm 2021 sẽ đưa vào sử dụng. Qua đó tạo sự đổi thay về diện mạo của Bệnh viện ĐK Thống Nhất. “Chiếc áo” cũ hàng chục năm giờ đã được thay bằng những tòa nhà cao, đẹp, khang trang theo tiêu chí xanh - sạch - đẹp và hướng tới mô hình bệnh viện khách sạn, bệnh viện thân thiện, bệnh viện công viên, phục vụ sự đa dạng trong nhu cầu của người bệnh và thân nhân người bệnh.
Bên cạnh đột phá về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại cũng như dịch vụ tiện ích cho người bệnh, trong 5 năm qua, ngành Y tế đã có sự đột phá rất lớn, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về chuyên môn. Riêng tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất, hoạt động phát triển kỹ thuật mới “được mùa” nở rộ.
Duy trì trên nền căn bản các kỹ thuật đã triển khai trước đây, bệnh viện đã đầu tư phát triển thêm nhiều kỹ thuật hiện đại như: can thiệp tim mạch, đặt máy tạo nhịp, đặt stent và mới đây nhất bệnh viện là đơn vị đầu tiên của Đồng Nai triển khai kỹ thuật mổ tim hở, phát triển thêm một bước trong kỹ thuật điều trị các bệnh lý chuyên sâu về tim mạch.
Không chỉ phát triển chuyên môn ở các bệnh viện tuyến tỉnh, Đồng Nai cũng đặc biệt quan tâm phát triển kỹ thuật cao cho bệnh viện ĐK khu vực và các trung tâm y tế tuyến huyện. Các bệnh viện tuyến tỉnh thường xuyên hỗ trợ, huấn luyện tuyến dưới, giúp đào tạo, chuyển giao một số kỹ thuật cao như: mổ nội soi, mổ sọ não, mổ tim, thay khớp và những phương pháp điều trị nội khoa chuyên sâu giúp các bệnh viện ĐK khu vực, trung tâm y tế tuyến huyện phát triển chuyên môn, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điều trị, kịp thời cấp cứu các ca bệnh nặng mà không phải chuyển lên tuyến trên.
* Bệnh viện cần được... trao quyền
Để đạt được những thành tựu nêu trên, ngoài sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Y tế thì yếu tố quyết định đó là sự đồng thuận và đoàn kết trong tập thể các cơ sở y tế trong tỉnh cùng hướng về chuyên môn, hướng về người bệnh. Để ngành Y tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, tỉnh cần quan tâm tháo gỡ một số khó khăn, hạn chế trong hoạt động của các cơ sở y tế, đặc biệt là vấn đề chảy máu chất xám cũng như tạo cơ chế cho bệnh viện tự chủ, phát triển bệnh viện theo hướng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người bệnh và thân nhân người bệnh.
Điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng tần số radio - một kỹ thuật mới, phức tạp vừa được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất |
5 năm qua, Bệnh viện ĐK Thống Nhất đã chịu “tổn thất” nhiều về tình trạng chảy máu chất xám. Đã có những năm bệnh viện phải chứng kiến sự rời bỏ của cả trăm bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng giỏi... trong đó có những người được đào tạo bài bản, giữ trọng trách quan trọng, chủ chốt trong những ê-kíp kỹ thuật mới. Dù rất yêu quý nơi đã gắn bó và đào tạo tay nghề cho mình, song vì thu nhập hạn chế mà họ phải đi tìm nơi có thu nhập cao hơn. Sự thiếu hụt đội ngũ dù hiện nay đang dần được lấp đầy, cũng là “rào cản” ảnh hưởng lớn đến sự vận hành và phát triển của bệnh viện.
Muốn giải quyết được “bài toán” chảy máu chất xám, muốn bệnh viện phát triển toàn diện, bệnh nhân được chăm sóc trong suốt quá trình điều trị..., từ nhiều năm qua, ngành Y tế đã xác định tiến tới tự chủ tài chính là quá trình tất yếu để giải quyết tất cả những vấn đề nêu trên.
Hiện ngành Y tế Đồng Nai đang thực hiện mô hình tự chủ tài chính một phần, từng bước tiến tới tự chủ tài chính toàn phần tại một số bệnh viện tuyến tỉnh và ĐK khu vực, trong đó có Bệnh viện ĐK Thống Nhất. Bởi chỉ có cơ chế tự chủ toàn phần mới mở ra cơ hội để bệnh viện kêu gọi xã hội hóa, tuyển dụng viên chức, người lao động và chủ động trong việc mua sắm trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ. Đặc biệt, thực hiện cơ chế tự chủ, bệnh viện sẽ có điều kiện trả lương theo năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, việc này ngăn chặn được nguy cơ “chảy máu” chất xám.
Và khi đó, cốt lõi là phải thay đổi trong suy nghĩ và hành động của cả đội ngũ lãnh đạo bệnh viện và nhân viên y tế, phải coi người bệnh là khách hàng của mình. Nếu bệnh viện phục vụ không tốt, nhân viên y tế phục vụ không chu đáo thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác. Khi bệnh nhân không đến nữa thì sẽ không có nguồn thu và bệnh viện sẽ rơi vào khó khăn. Vì thế, giám đốc bệnh viện phải được trao quyền để có thể tự quyết được những vấn đề phát sinh trong hoạt động của mình. Đây là vấn đề các cơ sở y tế công lập nói chung và Bệnh viện ĐK Thống Nhất nói riêng rất mong tỉnh quan tâm để có những cơ chế, chính sách sát với tình hình thực tế, tiếp tục tạo đà cho ngành Y tế phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
TS-BS Phạm Văn Dũng (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất)