Báo Đồng Nai điện tử
En

Không chủ quan với video độc hại trên mạng xã hội

09:11, 29/11/2020

Vụ việc bé trai P.L. (8 tuổi, ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) tử vong trong tư thế treo cổ trong nhà vệ sinh, nghi do "học theo" video độc hại trên mạng xã hội (MXH) xảy ra mới đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo người lớn nên quan tâm đến con em mình.

Hiện một số kênh YouTube hướng dẫn làm những việc khá nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Ảnh chụp màn hình
Hiện một số kênh YouTube hướng dẫn làm những việc khá nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Ảnh chụp màn hình

Vụ việc bé trai P.L. (8 tuổi, ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) tử vong trong tư thế treo cổ trong nhà vệ sinh, nghi do “học theo” video độc hại trên mạng xã hội (MXH) xảy ra mới đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo người lớn nên quan tâm đến con em mình.

Làm thế nào để bảo vệ trẻ nhỏ tránh xa các trò chơi bạo lực, cũng như các hành vi lệch lạc trên MXH thông qua các thiết bị như: máy tính, điện thoại thông minh... là vấn đề mà nhiều bạn đọc quan tâm sau vụ việc đau lòng xảy ra với cháu P.L.

* Giật mình với những video độc hại

Chia sẻ về thực trạng sử dụng MXH hiện nay, bà Triệu Thị Thu Vân (ngụ KP.3, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho rằng, một trong những lựa chọn hàng đầu của không ít phụ huynh khi muốn con em ngồi yên lặng, ngừng khóc, không nhõng nhẽo là cho các bé xem video trên MXH từ các thiết bị công nghệ như: smart phone, máy tính bảng, máy vi tính. Bởi trên MXH có cả kho những video để trẻ em có thể thoải mái giải trí, khám phá và học tập… Thế nhưng, bên cạnh những video bổ ích thì cũng có không ít video có nội dung không lành mạnh, gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

“Đơn cử, như trường hợp tử vong của cháu P.L. theo cơ quan chức năng nghi vấn cháu có thể do học theo "Thử thách m..." trên kênh YouTube. Trước đây vài tháng, một bé gái 5 tuổi (ngụ TP.HCM) đã mất mạng sau khi xem và làm theo video hướng dẫn trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube” - bà Vân dẫn chứng.

Tương tự, ông Trần Thành (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) đã giật mình khi thấy nhân vật phụ nữ có hình dáng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi xuất hiện trên video mà cháu nội 5 tuổi của ông từng xem.

“Cháu tôi rất hiếu động, mỗi lần muốn cháu ngồi yên, tôi thường mở phim hoạt hình trên điện thoại cho cháu xem. Trong lúc cháu xem, màn hình điện thoại hay hiện lên kênh YouTube "Thử thách m..." nên cháu đã tò mò mở ra xem. Thấy vậy, tôi đã ngăn lại và giải thích cho cháu hiểu vì sao không được xem video này. Qua thông tin báo chí, tôi được biết, đây là video độc hại, các video này hướng dẫn người xem thực hiện một loạt các nhiệm vụ nguy hiểm bao gồm cả hành vi bạo lực và tự sát. Nếu người lớn để mặc trẻ coi và làm theo những hướng dẫn này sẽ rất nguy hiểm” - ông Thành băn khoăn.

Ngoài video “Thử thách m...”, trên MXH hiện có vô số những video độc hại đối với trẻ như: “Thử thách làm chó...” (hướng dẫn cách ăn uống, sinh hoạt như một con chó); “Thử thách sống trong tủ lạnh”; hoặc các video có nội dung “người lớn” đội lốt với nền nhạc và nhân vật hoạt hình dành cho trẻ em nhưng lại có hành động phản cảm, khiêu dâm… Nếu để trẻ xem và làm theo thì hậu quả khôn lường.

* Cha mẹ không nên chủ quan

Theo TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục cho biết, những video mà trẻ em xem hằng ngày sẽ từ từ đi sâu vào tiềm thức, khi trẻ bị kích thích sẽ hành động theo tiềm thức có sẵn và dễ gây nguy hiểm cho chính bản thân trẻ cũng như những người xung quanh. Vì vậy, khi cho trẻ xem hay học trên MXH, phụ huynh phải quản lý, định hướng.

Để không xảy ra trường hợp trẻ tử vong vì học theo video độc hại trên MXH, Công an tỉnh đã có cảnh báo đến các bậc phụ huynh cần chú ý đến con trẻ nhiều hơn, khi thấy các cháu chơi "trò chơi lạ" thì phải hỏi rõ để ngăn chặn kịp thời vì có thể đó là trò chơi nguy hiểm mà các cháu học, làm theo khi xem các video độc hại trên MXH. Phụ huynh cần tìm hiểu nội dung các chương trình mà các con vẫn hay xem, chọn lọc những chương trình phù hợp, phân bổ thời lượng hợp lý để con trẻ không phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính.

Liên quan đến vấn đề này, Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga nhận định, hiện nay bên cạnh những kênh MXH có nội dung chia sẻ hay, hữu ích vẫn còn không ít kênh MXH, trong đó có một số kênh YouTube nhảm nhí, thậm chí là phản cảm và tiêu cực. Theo bà Nga, ngoài trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Các giải pháp công nghệ, kiểm soát chỉ góp phần giảm mối nguy hiểm, các tác động tiêu cực đến trẻ em khi sử dụng MXH. Quan trọng hơn, các bậc phụ huynh, gia đình hãy luôn theo sát việc sử dụng smart phone của con em mình, thông qua việc quan tâm, hướng dẫn, chọn lọc cho con xem các kênh giải trí lành mạnh, mang tính giáo dục, phù hợp với từng độ tuổi.

“Không nên buông lỏng để trẻ tùy ý sử dụng thiết bị số, phải quản lý, giám sát thời gian, nội dung để biết con mình đang tiếp cận với trang thông tin nào. Đồng thời, cha mẹ nên cài đặt thiết bị ở chế độ hạn chế truy cập hoặc hướng dẫn trẻ biết tránh xa những video có nội dung không lành mạnh, độc hại. Cha mẹ nên dành thời gian chơi, trò chuyện với con, không nên “giao” cho con một thiết bị thông minh cho trẻ tùy ý sử dụng”.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) lưu ý, khi phát hiện những trường hợp video xấu độc có thể phản ảnh đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thông qua đường dây nóng: 0899.888.2220896.888.222; hoặc ứng dụng Zalo/Viber/WhatsApp: 0899.888.2220896.888.222; thư điện tử: [email protected] [email protected]. Đồng thời, khi phản ảnh những video độc hại nên gửi kèm các bằng chứng như hình ảnh vi phạm, đường link. Người gửi cũng nên cung cấp thêm tên và số điện thoại khi gửi tin nhắn để cục tiện liên hệ lại khi cần (các thông tin cá nhân được bảo mật).

Kim Liễu

Tin xem nhiều