Bộ Công an đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ra làm 2 luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ...
Bộ Công an đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ra làm 2 luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vừa qua, nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nên tách hay giữ nguyên Luật Giao thông đường bộ nhằm tạo sự thống nhất và hiệu quả của luật.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh lập biên bản xử lý một trường hợp vi phạm giao thông trên quốc lộ 20 đoạn qua H.Định Quán. Ảnh: Thanh Hải |
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh đồng thời hai lĩnh vực khác nhau là trật tự, ATGT đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật).
* 2 lĩnh vực riêng cần có cách quản lý khác nhau
Theo phân tích của Bộ Công an, tình hình giao thông hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết, ngoài tình trạng ùn tắc, ý thức người tham gia giao thông kém thì câu chuyện nhức nhối nhất là tai nạn vẫn ở mức cao. Trong 10 năm qua, cả nước có hơn 100 ngàn người chết do tai nạn, tổn thất kinh tế vô cùng lớn. Do đó, mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ xuất phát từ việc Chính phủ xác định rõ bảo đảm trật tự ATGT là một bộ phận của trật tự an toàn xã hội thuộc Bộ Công an và thuộc trách nhiệm Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, quy định của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT sẽ tiết kiệm được rất nhiều, không nảy sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. Thủ tục hành chính cũng không tăng. |
Cụ thể, với dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ do Bộ Công an quản lý về trật tự ATGT đường bộ đối với các lĩnh vực như: đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quy định về đấu giá biển số xe; lực lượng công an sẽ chịu trách nhiệm về ATGT đường bộ. Còn dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ do Bộ GT-VT quản lý về hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ. Khi được tách riêng sẽ bổ sung các quy định về đầu tư, kinh doanh đường cao tốc; quy định về phương tiện giao thông công nghệ mới; quy định về khí thải; cơ chế phát triển vận tải công cộng.
Bộ Công an cho rằng, đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật, dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng. Chẳng hạn, luật hiện hành chưa có các chính sách cụ thể để phát triển phương tiện giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; chưa gắn trách nhiệm của chủ phương tiện đối với tình hình trật tự ATGT…
Về lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, phương tiện tham gia giao thông được tội phạm lợi dụng tiến hành các hành vi phạm tội như: khủng bố, biểu tình, gây rối, giết người, vận chuyển ma túy, hàng cấm, hàng lậu, cướp giật…, luật có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, các quy định phải chấp hành nhưng thiếu các biện pháp cưỡng chế hiệu quả dẫn đến khó khăn trong quản lý và xử lý vi phạm.
* Tránh phát sinh các thủ tục không cần thiết
Với đề xuất của Bộ Công an, đa số ý kiến người dân đều cho rằng, đây là các dự thảo luật có tác động nhiều và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Nếu chưa thống nhất thì Bộ Công an và Bộ GT-VT nên có hình thức lấy ý kiến về việc có đồng ý tách hay giữ nguyên Luật Giao thông đường bộ để tránh trường hợp khi áp dụng vào thực tế gây chồng chéo, phát sinh các thủ tục không cần thiết.
Ông Chu Văn Quân (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đi vào thực tế từ lâu. Dù có những quy định không phù hợp với tình hình hiện nay nhưng không thể tách rời riêng. Bảo đảm trật tự ATGT bao gồm: công tác quản lý cơ sở hạ tầng giao thông, quy tắc giao thông, phương tiện giao thông và người tham gia giao thông.
“Việc tách riêng sẽ mất đi tính tổng thể, từ đó mỗi ngành quản lý theo mỗi cách dẫn tới chồng chéo và tác động đến hiệu quả quản lý. Việc thay đổi này sẽ kéo theo hàng loạt điều chỉnh từ con người đến bộ máy quản lý nên có thể gây tốn kém, lãng phí” - ông Chu Văn Quân nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Ngọc Đại (ngụ TP.HCM) làm nghề lái xe dịch vụ cho biết, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) điều chỉnh liên quan tín hiệu giao thông, biển báo dưới góc độ hạ tầng, xây dựng buộc chủ đầu tư, cơ quan quản lý tổ chức vận hành thử trước khi nghiệm thu đưa vào khai thác. Trong khi dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ cũng điều chỉnh về biển báo và tín hiệu giao thông, quy định lực lượng cảnh sát giao thông chỉ huy, điều hành giao thông.
“So với quy định cũ trước đây không khác nhau, không có điểm mới sao phải tách ra thành 2 luật riêng. Nếu sắp tới Quốc hội điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quan trọng nhất vẫn là cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ từng bộ, ngành để tránh chồng chéo, trùng lặp” - ông Đại nói.
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đa số đại biểu không đồng ý với 2 dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Do vậy, Thường vụ Quốc hội đã chuyển dự án này về Chính phủ để cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, hoàn chỉnh. Chính phủ cũng sẽ kiến nghị đến Thường vụ Quốc hội về việc trình lại dự án luật này. |
Dương Ngọc