Đồng Nai hiện có rất nhiều xe ba gác đang hoạt động. Đa số các phương tiện này là xe được lắp ráp, không rõ nguồn gốc và không bảo đảm an toàn kỹ thuật nên khi lưu thông trên đường luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho chính người sử dụng cũng như những người tham gia giao thông khác.
Đồng Nai hiện có rất nhiều xe ba gác đang hoạt động. Đa số các phương tiện này là xe được lắp ráp, không rõ nguồn gốc và không bảo đảm an toàn kỹ thuật nên khi lưu thông trên đường luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho chính người sử dụng cũng như những người tham gia giao thông khác.
Xe ba gác chở phế liệu cồng kềnh, chằng buộc sơ sài lưu thông trên đường Võ Thị Sáu, đoạn qua ngã tư Lạc Cường (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải |
* Lo mất an toàn
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng người dân sử dụng xe ba gác chở hàng quá khổ, quá tải, nhất là phế liệu, vật liệu xây dựng sắc nhọn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu sử dụng loại phương tiện này để vận chuyển hàng hóa rất lớn.
Trong khi, phần lớn người điều khiển phương tiện này không có giấy phép lái xe, không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Do đó, khi lưu thông chở hàng hóa cồng kềnh trên đường thường thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khác.
Tại TP.Biên Hòa, trước một số cửa hàng bán vật liệu xây dựng luôn tập trung đông phương tiện xe ba gác chuyên chở sắt, thép, tôn các loại. Nhiều xe chở theo những tấm tôn dài ngoằng nhưng hai đầu không được che đậy cẩn thận vẫn ngang nhiên lưu thông giữa dòng xe cộ đông đúc. Người đi đường khi gặp các xe này đều phải né sang một bên.
Ông Lê Ngọc Chiêu (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, thời điểm cuối năm, nhu cầu mua bán, vận chuyển hàng hóa tăng cao dẫn đến các xe ba gác hoạt động nhiều hơn. Không chỉ chở tôn, nhiều loại vật liệu sắc nhọn khác như: sắt, thép, cửa sắt, tấm kính lớn cũng được vận chuyển bằng các phương tiện này.
Ông T.M.C., tài xế xe ba gác (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Chúng tôi biết là lưu thông như vậy cũng nguy hiểm nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên không có lựa chọn khác. Nhiều người gắn bó với công việc này chủ yếu đều là lao động nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nếu không có vốn để chuyển công việc khác thực tình thì tôi cũng đâu biết làm gì”. |
Theo ông Chiêu, dù đã có quy định xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá chở hàng, nhưng nhiều người vẫn bất chấp vi phạm khiến người đi đường nhiều phen hú vía. Nhiều xe ba gác còn vi phạm thêm các quy định về an toàn giao thông như: chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường… luôn là nỗi “ám ảnh” của người đi đường.
Cũng bức xúc về tình trạng xe ba gác lưu thông thiếu an toàn, bà Hoàng Thị Xuân (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho hay, phần lớn số phương tiện này hiện đã xuống cấp, cũ nát nên không có đầy đủ gương, đèn pha, đèn hậu, đèn xi-nhan, còi xe và thường xả khói mù mịt. Nếu không chú ý quan sát thì dễ đụng phải, nhất là đối với những người đi xe máy, học sinh đi xe đạp.
“Xe ba gác là loại xe nhiều không: không bằng lái, không giấy đăng ký, không an toàn. Chiếc xe cũ kỹ, mục nát không còn đảm bảo an toàn nhưng lúc nào cũng chất đầy hàng hóa, thật nguy hiểm. Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát, xử lý phương tiện này cũng như có chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, nghề nghiệp cho các chủ xe” - bà Xuân nói.
* Không tiếp nhận đăng ký mới
Theo cơ quan chức năng, việc xe ba gác lưu thông trên đường, nhất là trong lúc chở hàng hóa cồng kềnh luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trong nước đã cấm xe ba gác vì đa số các xe này đều tự chế, không đảm bảo kỹ thuật vận hành.
Xe ba gác chở cồng kềnh, chằng buộc sơ sài lưu thông trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua P.Tân Tiến (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải |
Dù Đồng Nai chưa đưa ra quy định cụ thể, tuy nhiên nếu xe nào lưu thông mà không có giấy tờ, tự lắp ráp thì sẽ bị xử lý theo quy định là tịch thu phương tiện. Song khi vắng bóng lực lượng chức năng thì các xe ba gác lại tiếp tục hoạt động. Không ít người bất chấp nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa quá khổ, cồng kềnh và lưu thông với tốc độ cao rất dễ xảy ra tai nạn.
Trung tá Bùi Thị Vui, Phó đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) cho hay, số lượng xe ba gác trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 2 ngàn xe và trong đó, số xe có hồ sơ đăng ký rất ít. Từ năm 2018 đến nay, theo quy định của Chính phủ thì không còn cấp đăng ký mới cho loại phương tiện này mà chỉ thực hiện sang tên cho các trường hợp có nhu cầu.
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Lê Thanh Sơn, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết, để ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, Công an TP.Biên Hòa đã tổ chức ra quân xử lý các trường hợp người điều khiển xe ba gác vi phạm. Chủ phương tiện có xe vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ bị xử lý nghiêm. Ngoài việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, lực lượng công an còn chú trọng tuyên truyền, giáo dục, giải thích, để người điều khiển phương tiện chấp hành.
Thanh Hải