Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu năm 2021 chính thức tăng tuổi nghỉ hưu

09:12, 08/12/2020

Bắt đầu từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18-11-2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu (gọi tắt là Nghị định 135).

Bắt đầu từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18-11-2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu (gọi tắt là Nghị định 135).

Theo quy định mới, từ ngày 1-1-2020, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng Trong ảnh: Một cán bộ hưu trí ở P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) nhận lương hưu
Theo quy định mới, từ ngày 1-1-2020, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng Trong ảnh: Một cán bộ hưu trí ở P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) nhận lương hưu

* Còn nhiều băn khoăn, lo lắng

Theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi đối với lao động nam và đủ 55 tuổi đối với lao động nữ. Nhưng theo Nghị định 135 của Chính phủ, từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau năm 2021, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Dù quy định về tăng tuổi hưu và lộ trình cụ thể đã được Quốc hội “chốt” trước đó, nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Đặc biệt là đối với những lao động trực tiếp, những người lao động làm công việc nặng nhọc nhưng ngành nghề không nằm trong danh sách những nghề được Bộ LĐ-TBXH quy định là ngành nghề độc hại, nguy hiểm.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Vĩnh (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) đều là công nhân trong một công ty gia công giày thể thao xuất khẩu ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Anh làm khâu dập đế, chị làm ở khâu dán keo đế giày. Công việc của vợ chồng anh Vĩnh thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, dung môi độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe.

Anh Vĩnh cho biết: “Dù công việc này không thuộc công việc nặng nhọc nhưng vẫn có ảnh hưởng độc hại. Trong điều kiện làm việc như hiện nay, vợ chồng tôi cố gắng duy trì sức khỏe đến độ tuổi nghỉ hưu hiện hành là 55 với nữ và 60  với nam đã là khó. Giờ tăng lên nữa, trong đó lao động nữ tăng tới 5 năm thì thực sự rất nhiều chị em, trong đó có vợ tôi có lẽ sẽ không trụ được, bởi không chỉ không đủ sức làm việc, không đủ khả năng đi làm ca, năng suất sẽ giảm và có thể còn gây ra tai nạn lao động”.

Bảng chi tiết về thời điểm nghỉ hưu của người lao động theo quy định mới
Bảng chi tiết về thời điểm nghỉ hưu của người lao động theo quy định mới

Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng khiến nhiều giáo viên mầm non lo lắng. Cô Nguyễn Thị Phương Nga, giáo viên tại một trường mầm non ở TP.Biên Hòa cho hay, nghề dạy trẻ đòi hỏi nhiều yếu tố mà tuổi tác có ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ, cô giáo dạy trẻ phải nhảy múa, hát hò, vui chơi với các cháu, việc này chỉ hợp với những giáo viên trẻ chứ ở tuổi gần 60, phụ nữ có rất nhiều thay đổi về sức khỏe nên không còn phù hợp cho các hoạt động sôi nổi, năng động và nhanh nhẹn nữa.

Theo bà Nga, sau tuổi 55 năm nên có quy định mở để người lao động lựa chọn nghỉ hưu theo tình hình sức khỏe thực tế, điều quan trọng là có cách tính toán lương hưu thế nào cho người lao động đỡ thiệt thòi.

* Sẽ có điều chỉnh từ thực tế triển khai

Nói về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây. Mục đích chính của việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam lên 62 và nữ lên 60 là nhằm bảo đảm có đủ, cân đối, ổn định lực lượng lao động. Bởi, quy mô, cơ cấu dân số Việt Nam đang thay đổi theo hướng tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đang giảm do quá trình già hóa dân số, trong khi tỷ lệ người phụ thuộc đang tăng lên. Đặc biệt trong xu hướng toàn cầu hóa, tuổi nghỉ hưu của người lao động nhiều nước cũng đã tăng lên, do đó Việt Nam cũng cần phải điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cho phù hợp.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH nhận định, khi triển khai Nghị định 135 về tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ gặp những bất cập. Chuẩn bị cho điều này, Bộ LĐ-TBXH đã có những hướng mở để điều chỉnh, giải quyết những bất cập trong quá trình triển khai.

Chẳng hạn Nghị định 135 quy định nhiều trường hợp được nghỉ hưu sớm như: người có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục Bộ LĐ-TBXH ban hành và suy giảm từ 61% trở lên thì được giảm tuổi nghỉ hưu 5 năm trở lên. Hoặc người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo danh mục do Bộ LĐ-TBXH ban hành, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1-1-2020 cũng được nghỉ hưu trước tuổi. Nghị định cũng cho phép trong điều kiện lao động bình thường người nghỉ hưu có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu.

Để kéo dài tuổi lao động nhưng không làm người lao động mệt mỏi, Chính phủ cũng đã ghi nhận và xem xét ý kiến của Tổng liên đoàn Lao động khi đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019, đó là bên cạnh tạo việc làm cho người lao động, ổn định thị trường lao động thì có một giải pháp rất là phù hợp để giúp người lao động “giãn việc”, bảo vệ sức khỏe cũng như đầu tư thời gian cho gia đình, đó là giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, sau đó là xuống 40 giờ/tuần… Việc này sẽ được nghiên cứu, xem xét, giải quyết trong thời gian tới khi Nghị định 135 chính thức được triển khai.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều