Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với những lời mời cho vay tín chấp

10:01, 11/01/2021

Thời điểm gần Tết Nguyên đán 2021, nhiều lời mời cho vay tín chấp, vay tiền... liên tục được các số điện thoại lạ hoặc tài khoản mạng xã hội gửi tin nhắn đến người dân. Tuy nhiên,...

Thời điểm gần Tết Nguyên đán 2021, nhiều lời mời cho vay tín chấp, vay tiền... liên tục được các số điện thoại lạ hoặc tài khoản mạng xã hội gửi tin nhắn đến người dân. Tuy nhiên, không ít trong số đó là những “cái bẫy” của những kẻ lừa đảo hoặc người cho vay lãi nặng.

Một tài khoản mạng xã hội đăng lời mời vay tiền không cần thế chấp.
Một tài khoản mạng xã hội đăng lời mời vay tiền không cần thế chấp. Ảnh: Chụp màn hình

* Những lời quảng cáo có... cánh

Chỉ cần tìm kiếm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook), người có nhu cầu vay tiền sẽ dễ dàng thấy nhiều lời mời cho vay tiền tại các nhóm, trang, tài khoản cá nhân như: vay tiền nhanh, vay vốn online, vay tiền chỉ cần chứng minh nhân dân (CMND)... Điều kiện vay tiền rất đơn giản, chỉ cần CMND và thẻ ATM là vay được, bất chấp có nợ xấu, tiền đến tay ngay trong ngày với mức cho vay từ 10-40 triệu đồng, trả góp theo tháng từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng (tùy thời gian vay).

Vào những tháng cuối năm âm lịch, các nhóm, trang, tài khoản cá nhân chuyên cho vay tiền trên mạng xã hội hoạt động khá nhộn nhịp, với nhiều cách thức “chiêu dụ” khách hàng hấp dẫn. Các tài khoản khẳng định hợp đồng cho vay là an toàn, không tốn bất kỳ khoản phí nào và “tố” ngược những cá nhân cho vay mà mất phí là lừa đảo. Bên cạnh đó, các tài khoản này còn đăng kèm các hình chụp màn hình tin nhắn, thông tin chuyển khoản ngân hàng để khẳng định việc họ xử lý thủ tục nhanh gọn, uy tín. Hành động có mục đích này thường nhắm vào "con mồi" ở độ tuổi thanh niên, nhu cầu mua sắm một món đồ mới đắt tiền (xe máy, điện thoại...) chơi tết...

Các lời mời vay vốn không chỉ gói gọn tại các nhóm, các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mà hiện nay nhiều người cho vay còn chủ động liên hệ qua điện thoại, tin nhắn để mời... vay tiền. Thậm chí, có thuê bao còn bị gọi liên tục vài lần mỗi ngày. Mỗi lần lại có người tự xưng ở ngân hàng khác nhau thông báo chủ thuê bao đủ điều kiện vay tín chấp với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

Anh P.C.T. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết: “Có lần xem thông tin về vay lãi suất thấp, không cần chứng minh thu nhập trên một tài khoản mạng xã hội, tôi đã vay 10 triệu đồng với số tiền trả hằng tháng chỉ khoảng 500 ngàn đồng trong 2 năm. Tuy nhiên, mỗi tháng gần tới ngày trả là tôi nhận hơn 10 cuộc gọi nhắc trả tiền, lời lẽ đôi khi rất nặng nề. Chính vì áp lực đó, tôi phải cố gắng để trả tiền trước thời hạn nhưng không ngờ khi trả trước hạn phải đền bù một khoản tiền. Lúc này tôi mới hiểu “cái bẫy” của việc cho vay tiền dễ dàng chính là những điều khoản phụ mà ít người vay nào chú ý đến”.

* Nhiều nguy cơ khi vay tiền online

Theo một số người dân ở TP.Biên Hòa từng liên lạc với những người cho vay tiền online để đề nghị vay tín chấp thì quá trình tư vấn chỉ được trao đổi qua điện thoại, bên cho vay yêu cầu người vay chụp và gửi hình chân dung, CMND qua một tài khoản mạng xã hội. Sau đó, số tiền theo yêu cầu sẽ được chuyển vào tài khoản của người vay. Hầu như người đi vay chỉ quan tâm họ sẽ được vay bao nhiêu, trả bao nhiêu hằng tháng, trả trong bao lâu, còn các con số lãi suất hay điều kiện phụ đi kèm thì ít khi nào quan tâm đọc kỹ.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng: “Người đi vay cần xem xét kỹ các điều khoản hợp đồng, tốt nhất nên gặp mặt trao đổi trực tiếp, không nên qua trung gian hay nói chuyện với người lạ. Nếu gặp phải hành vi đòi nợ bằng cách khủng bố, bạo lực thì nên nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng để được can thiệp”.

Chính vì các hợp đồng chỉ trao đổi qua loa nên bên cho vay đã “gài” một số điều khoản mà người vay không lường trước được. Như việc muốn thanh toán trọn hợp đồng vay trả góp trước thời hạn (để bớt tiền lãi) thì người vay phải chịu một khoản tiền phạt bằng bao nhiêu phần trăm giá trị hợp đồng. Hay phải chuyển khoản trước một số tiền bằng bao nhiêu phần trăm hợp đồng thì mới nhận được tiền.

“Cao tay” hơn, khi liên lạc với khách hàng, người cho vay xưng là nhân viên một ngân hàng có uy tín, nếu khách hàng chấp nhận vay thì sẽ có nhân viên khác liên lạc để bàn về hợp đồng. Nhưng lúc này, nhân viên trực tiếp nói về hợp đồng lại xưng là người của một công ty tài chính thuộc ngân hàng đó. Nếu không chú ý, hợp đồng của khách hàng sẽ ký với công ty tài chính chứ không phải ngân hàng như quảng cáo ban đầu.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, việc vay tiền online này tiềm ẩn 2 rủi ro lớn. Một là khách hàng phải trả một khoản lãi cao hơn dự tính vì các điều khoản phụ hoặc mất tiền chuyển khoản trước vì bên cho vay là lừa đảo. Hai là khách hàng sẽ bị mất thông tin cá nhân (hình ảnh chân dung, CMND) vào tay những người cho vay ẩn danh, hậu quả khó lường hơn (mạo danh nhân thân làm việc xấu hoặc mạo nhận để vay một khoản tiền nào đó).

Không chỉ vậy, nhiều trường hợp người vay trả tiền trễ hoặc ngừng trả vì cho rằng bên cho vay lừa đảo đã phải nhận “trái đắng”. Điển hình là việc liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn “khủng bố” yêu cầu trả nợ hay thông tin cá nhân bị rêu rao, bêu xấu trên mạng xã hội.

Minh Thành

Tin xem nhiều