Báo Đồng Nai điện tử
En

Trốn khai báo, khai báo y tế gian dối có thể bị xử lý hình sự

10:02, 26/02/2021

Đồng Nai là tỉnh có đông người lao động nhập cư. Sau Tết, lượng người từ các tỉnh, thành trên cả nước trở lại làm việc khá đông. Để kiểm soát, phòng ngừa lây lan dịch Covid-19, UBND tỉnh đã yêu cầu mọi người phải đến các trạm y tế để khai báo.

Đồng Nai là địa phương có đông người lao động nhập cư từ các tỉnh, thành trên cả nước. Sau Tết Nguyên đán 2021, lượng người trở lại Đồng Nai làm việc khá đông.

Người dân khai báo y tế tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: Bích Nhàn
Người dân khai báo y tế tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: Bích Nhàn

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa tối đa nguy cơ xâm nhập, lây nhiễm bệnh, UBND tỉnh yêu cầu những người trở về Đồng Nai từ các tỉnh, thành phố khác trên cả nước phải đến các trạm y tế để khai báo y tế.

* Ai phải khai báo y tế ?

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi trở lại làm việc, ngày 18-2-2021, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 1683/UBND-KGVX về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021,  nêu rõ:

Theo Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, tùy tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà có thể bị phạt tù đến 12 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Đối với chuyên gia, lao động kỹ thuật là người nước ngoài, nếu cư trú tại Đồng Nai trong suốt thời gian nghỉ tết không ra khỏi tỉnh thì được phép trở lại làm việc bình thường, khai báo y tế; trường hợp nghỉ tết tại địa bàn tỉnh, thành phố khác không có dịch thì tiến hành khai báo y tế, khai báo nơi cư trú hằng ngày và khuyến khích xét nghiệm Sars-CoV-2 khi quay lại làm việc. Trường hợp người làm việc tại Đồng Nai nhưng cư trú hoặc đến, đi qua địa bàn tỉnh, thành phố có dịch thì yêu cầu làm việc trực tuyến, chỉ khi nào có xét nghiệm âm tính 2 lần cách nhau 14 ngày mới trở lại làm việc.

Đối với người lao động Việt Nam, trường hợp không ra khỏi địa phương yêu cầu khai báo y tế và trở lại làm việc bình thường; nếu trở về từ các tỉnh, thành khác không có dịch thì yêu cầu khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe và khuyến khích xét nghiệm Sars-CoV-2 khi quay trở lại làm việc. Riêng người từ địa phương, tỉnh thành có dịch (cập nhật theo thông báo của Bộ Y tế): yêu cầu ở lại tại địa phương, tạm thời chưa trở về Đồng Nai cho đến khi dịch bệnh tại địa phương đó được kiểm soát và có xét nghiệm Sars-CoV-2 âm tính 2 lần cách nhau 14 ngày. Nếu đã đến Đồng Nai: phải cách ly tập trung theo quy định.

Tất cả những người đi, đến, về từ tâm dịch và các địa điểm được Bộ Y tế công bố (của tỉnh Hải Dương và các địa phương khác) phải cách ly tập trung; người đi, đến, về từ các vùng giãn cách xã hội phải cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm Sars-CoV-2.

* Có thể bị xử lý hình sự nếu khai báo gian dối liên quan dịch bệnh

BS Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, hiện các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang triển khai các biện pháp kiểm soát người lao động, người dân từ các tỉnh, thành khác trở lại địa phương làm việc. Thông qua khai báo y tế quản lý được lịch trình đường đi của từng người giúp cơ quan chức năng nắm được nguy cơ dịch bệnh; đồng thời lên phương án cách ly, theo dõi để phòng, chống dịch bệnh. Ngoài khai báo trực tiếp tại trạm y tế phường, xã, người dân có thể khai báo trên ứng dụng NCOVI trên điện thoại di động.

“Khai báo y tế đầy đủ giúp việc xác minh, khoanh vùng dập dịch của cơ quan chức năng được thuận lợi. Do vậy, mỗi người nên chủ động nắm rõ lịch trình di chuyển tiếp xúc của mình để trung thực khai báo y tế. Việc này vừa giúp bảo vệ sức khỏe chính bản thân mình, gia đình và cả cộng đồng xã hội” - ông Bình nói.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, theo quy định hiện hành, người khai báo y tế gian dối hoặc không khai báo thông tin liên quan dịch bệnh, ngoài nộp phạt hành chính còn có thể bị xử lý hình sự. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ hành vi cụ thể trường hợp vi phạm và căn cứ theo mức độ hậu quả xảy ra để xác định hình thức xử lý.

Theo luật sư Định, mức xử phạt hành chính áp dụng khi người khai báo thông tin gian dối liên quan dịch bệnh sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng (theo Điều 7, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế). Trường hợp người vi phạm biết rõ hiện trạng của bản thân hoặc người khác nhưng cố tình che giấu thông tin, hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Kim Liễu

Tin xem nhiều