Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng khi mua hàng livestream

10:03, 15/03/2021

Hiện nay, những sản phẩm có dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ không chỉ xuất hiện ngoài thị trường mà còn được bán tràn lan trên mạng xã hội. Tình trạng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, niềm tin và quyền lợi của người tiêu dùng.

Hiện nay, những sản phẩm có dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ không chỉ xuất hiện ngoài thị trường mà còn được bán tràn lan trên mạng xã hội. Tình trạng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, niềm tin và quyền lợi của người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở bán hàng online (ở P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), cơ sở này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ các mặt hàng. Ảnh: Đình Biên
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở bán hàng online (ở P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), cơ sở này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ các mặt hàng. Ảnh: Đình Biên

Thực tế, việc quản lý loại hình kinh doanh này không dễ bởi nó đòi hỏi cơ chế quản lý phù hợp, sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng và hơn hết là các quy định pháp lý liên quan phải được cập nhật kịp thời, phù hợp…

* Livestream bán hàng hiệu với giá "bèo"

Trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế tập trung đông người, hình thức mua sắm online trở nên khá nhộn nhịp. Bên cạnh những doanh nghiệp, người kinh doanh làm ăn uy tín cũng có không ít người lợi dụng việc mua bán online để tuồn ra thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây lo ngại cho người tiêu dùng.

Chỉ cần lướt Facebook là người dùng có thể bắt gặp các livestream bán hàng của các shop thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm… Để thu hút khách, các chủ shop online thường chào mời qua hình thức bán hàng giảm giá sâu. Nhiều sản phẩm  của các thương hiệu lớn trên thế giới như: Dior, Gucci, LV... được người bán giới thiệu là hàng xách tay còn mác, nguyên hộp với giá niêm yết của hãng lên đến hàng trăm USD nhưng họ chỉ bán với giá vài trăm ngàn đồng, thậm chí vài chục ngàn đồng chỉ để “tri ân khách hàng” hoặc chỉ để tăng tương tác…

Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Phạm Gia Hải khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các hành vi gian dối, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong hoạt động kinh doanh, các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa các quy định về bán hàng online, tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Song song đó, người tiêu dùng nên nâng cao cảnh giác, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để nhận diện hàng thật, giả; tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, cách truy xuất nguồn gốc hàng hóa; nên mua hàng ở những trang thương mại điện tử chính thức, uy tín.

Tin vào quảng cáo, nhiều người mua hàng bị mất tiền oan. Anh Nguyễn Văn Đức (ngụ KP.3, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) kể lại, dịp 8-3 vừa rồi, thấy một shop livestream quảng cáo giảm giá sốc 50%, anh đặt mua online tặng vợ một túi xách hiệu Michael Kors với giá gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận quà, vợ anh phát hiện túi này chỉ là hàng nhái.

Thời gian gần đây, Công an TP.Biên Hòa liên tục phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cất trữ hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó có cơ sở chuyên bán hàng online. Cụ thể như ngày 22-2, lực lượng Công an TP.Biên Hòa phát hiện bên trong kho xưởng rộng 600m2 của một cơ sở kinh doanh sản xuất hàng mỹ phẩm ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) có 20 người đang livestream bán hàng online qua Facebook.

Kiểm tra bên trong kho hàng nói trên, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục ngàn sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nhau như: mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính… với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên.

* Không dễ bảo vệ người mua

Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Phạm Gia Hải cho rằng, mua online được xem là xu thế, hình thức bán hàng qua livestream đang trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng chuẩn như những lời quảng cáo, trong mênh mông các mặt hàng kinh doanh, mua bán trên mạng xã hội thì thật giả lẫn lộn, khiến người tiêu dùng dễ bị lừa, mua phải hàng kém chất lượng.

Thời gian qua, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái… khi mua hàng online. Tuy nhiên việc xác minh tên, địa chỉ người vi phạm không dễ do người bán không đăng ký với các cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp bị phản ánh đã khóa tài khoản không liên hệ được. Trong trường hợp Hội tiếp cận được thì thiếu cơ sở pháp lý để làm việc vì người bán hàng không có phiếu giao hàng và nhận tiền mặt…

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, việc kiểm tra, xử lý những vi phạm về mua bán hàng online không dễ do khó tìm ra danh tính thật của chủ thể kinh doanh. Bởi hiện nay việc lập ra các trang mạng xã hội để bán hàng quá dễ dàng, ai cũng có thể làm được. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc rà soát, quản lý mô hình kinh doanh trên mạng, kiểm soát giá cả thị trường của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, cần bổ sung và hoàn thiện pháp luật về chống hàng giả, hàng nhái, trong đó có hành vi bán hàng giả thông qua kênh online.

Kim Liễu

Tin xem nhiều