Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều quy định pháp luật, người lao động cần quan tâm

09:03, 04/03/2021

Những tháng đầu năm 2021, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) tiếp nhận cả trăm trường hợp thắc mắc liên quan tới vấn đề tiền lương, quy định trả lương, tăng ca, chính sách trợ cấp, quy định về làm thêm giờ…

Những tháng đầu năm 2021, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) tiếp nhận cả trăm trường hợp thắc mắc liên quan tới vấn đề tiền lương, quy định trả lương, tăng ca, chính sách trợ cấp, quy định về làm thêm giờ…

Công nhân của một công ty ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ hỗ trợ pháp lý để bảo vệ quyền lợi. Ảnh: Đ.Phú
Công nhân của một công ty ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ hỗ trợ pháp lý để bảo vệ quyền lợi. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết, các vấn đề về lương như: người lao động (NLĐ) không được trả lương ngừng việc, chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp..., chính là nguyên nhân dẫn tới xung đột quyền lợi giữa NLĐ với người sử dụng lao động, NLĐ "nhảy việc" sau một thời gian gắn bó với công ty.

* Cân nhắc khi "nhảy việc"

Theo Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều công ty buộc phải thu hẹp sản xuất, việc làm dẫn đến cắt giảm lương, thu nhập khiến nhiều NLĐ rơi vào cảnh khó khăn. Do đó, không ít NLĐ đã tìm kiếm việc làm tại những công ty có mức lương, phụ cấp hấp dẫn, tăng ca nhiều và thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NLĐ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sau khi "nhảy việc" mới phát hiện ra môi trường làm việc ở công ty mới không tốt hơn công ty cũ; ngoài ra do đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty cũ nên quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, thực tế có nhiều trường hợp NLĐ không nắm được các quy định pháp luật hiện hành nên vội vàng "nhảy việc" dẫn tới quyền lợi bị mất như: không được hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Do đó, khi công ty cho ngừng việc, chậm nâng lương NLĐ cần bình tĩnh để xử lý vấn đề sao cho ổn thỏa không nên vội vã "nhảy việc".

“Trường hợp phải ngừng việc, NLĐ vẫn được trả lương đầy đủ theo đúng hợp đồng lao động nếu do lỗi của người sử dụng lao động. Còn đối với chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với NLĐ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động. Năm 2021, tiền lương tối thiểu vùng vẫn không thay đổi so với năm 2020. Như vậy, tiền lương tối thiểu vùng 1 giữ nguyên 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là  3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng” - luật sư Vũ Ngọc Hà lưu ý.

* Quy định về làm thêm giờ

Một trong những vấn đề pháp lý được khá nhiều NLĐ thắc mắc gọi đến đường dây nóng của Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh trong tháng 1 và tháng  2-2021 là quy định về làm thêm giờ.

Về nội dung này, luật sư Vũ Ngọc Hà cho hay, theo Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như: phải được sự đồng ý của NLĐ; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ/năm...

“Tuy vấn đề trên không mới đối với NLĐ có thâm niên làm việc, nhưng với người mới bắt đầu làm công ty thì khá lạ và mới mẻ. Do đó, trung tâm sẵn sàng tiếp nhận và tư vấn kịp thời những vấn đề NLĐ muốn tìm hiểu, gặp phải. Có như vậy, NLĐ mới an tâm làm việc và có ý kiến phản biện đúng đắn nếu phát hiện công ty vi phạm các quy định của pháp luật lao động” - luật sư Vũ Ngọc Hà nói.

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ; không được ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều