Hiện nay đang trong mùa khô nên nhiều vùng nông thôn, nhất là ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh thường có nhiều hồ trữ nước dùng để tưới cây. Các hồ này khá rộng và sâu nhưng lại không có rào chắn và nằm trong nhà dân nên nguy cơ trẻ nhỏ bị đuối nước rất cao.
Hiện nay đang trong mùa khô nên nhiều vùng nông thôn, nhất là ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh thường có nhiều hồ trữ nước dùng để tưới cây. Các hồ này khá rộng và sâu nhưng lại không có rào chắn và nằm trong nhà dân nên nguy cơ trẻ nhỏ bị đuối nước rất cao.
Hiện trường nơi 3 trẻ nhỏ tại xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) gặp nạn ngày 13-4 là ao chứa nước dùng để tưới cây. Ảnh: C.T.V |
Vụ 3 trẻ ở độ tuổi mầm non bị đuối nước trong hồ chứa nước tưới sau nhà ở xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) xảy ra ngày 13-4 vừa qua tiếp tục cảnh báo nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em từ các ao, hồ chứa nước ở vùng nông thôn rất cao. Trên thực tế, tại xã Sông Ray và nhiều xã lân cận đều có rất nhiều hồ chứa nước, ao cá ngay trong khuôn viên nhà dân nhưng không có các biện pháp ngăn trẻ lại gần các nơi này.
* Nhiều vụ trẻ đuối nước ở nông thôn
Theo Bộ LĐ-TBXH, trung bình mỗi năm trên cả nước có hơn 2 ngàn trẻ em tử vong do đuối nước, số vụ xảy ra ở khu vực nông thôn cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị. Trong đó, có 77,6% xảy ra tại ao, sông, suối, hồ, biển hoặc do bị ngã xuống hố ga, hố xây dựng; 15,8% tại gia đình và 6,6% tại nơi khác.
Ngoài vụ việc nêu trên, tại Đồng Nai cũng xảy ra nhiều vụ đuối nước tại vùng nông thôn. Cụ thể như chiều 27-9-2020, một bé trai ở KP.3, TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) bị đuối nước trong ao cá của một hộ dân gần nhà. Hay chiều 10-7-2020, một học sinh lớp 8 tại H.Vĩnh Cửu trong lúc tắm ao tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) bị đuối nước tử vong. Đau lòng hơn, sáng 7-6-2020, 2 chị em (9 và 7 tuổi) ngụ ấp 6, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) đã cùng nhau xuống tắm hồ nước gần nhà và bị đuối nước.
Ông N.V.A (ngụ xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) bày tỏ lo lắng: “Cả xóm tôi rất bàng hoàng khi hay tin 3 cháu bé trong xóm tử vong do đuối nước ngay trong vườn nhà người thân. Hiện khu vực này có nhiều ao, hồ, giếng đào trong khuôn viên nhà dân, đặc biệt còn có nhiều hồ thủy lợi gần các khu dân cư như: sông Ray, suối Đôi, suối Vọng... Mùa hè đang tới gần, mấy đứa nhỏ được nghỉ lại rủ nhau đi chơi, không nghe lời người lớn mà tắm suối, tắm hồ dễ gặp nguy hiểm”.
* Luôn để mắt đến trẻ
Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray Bùi Thị Liên cho biết, sáng 14-4, UBND xã đã thông báo về tai nạn của 3 trường hợp nêu trên cùng các khuyến cáo phòng ngừa đuối nước cho trẻ em trong vùng trên Đài Truyền thanh của xã. Trong đó nhắc nhở người lớn trong gia đình cần chú ý để mắt đến trẻ, khi chơi đùa dù trong khuôn viên nhà cũng cần đặt trong tầm quan sát của người lớn. Riêng các hộ gia đình có ao, hồ trong vườn cần phải chú ý rào chắn, đặt bảng cảnh báo; với giếng đào phải luôn có nắp che vững chắc.
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, gia đình và nhà trường ngoài dạy trẻ những kỹ năng phòng chống đuối nước còn cần nhắc nhở trẻ cách xử lý khi gặp người khác bị đuối nước, tốt nhất là đi gọi người lớn tới cứu, để tránh những hậu quả đau lòng như trên. Bởi lẽ, một người lớn đuối nước chỉ trong vòng 3-5 phút, còn trẻ em thì ngắn hơn nữa. Đặc biệt, người đuối nước trong cơn hoảng loạn sẽ bám chặt lấy bất cứ vật gì để ngoi lên, do đó tuyệt đối không được nhảy theo cứu nếu không biết cách cứu đuối nước mà cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật nào để có thể cứu gián tiếp như cây sào, phao, hoặc các vật nhẹ có thể nổi trên nước để nạn nhân bám vào. Với trẻ em, khi phát hiện thấy người bị té xuống nước, tốt nhất cần kêu gọi mọi người đến ứng cứu ngay.
Để phòng chống đuối nước cho trẻ em trong mùa hè 2021, Sở VH-TTDL cho biết sẽ xây dựng chương trình tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh đuối nước cho học sinh, trẻ em; mở một số lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ. Riêng tại các địa phương vùng nông thôn, Phòng VH-TT sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương, các hồ bơi tư nhân trong khu vực mở các lớp dạy bơi cho học sinh.
TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) phân tích, trẻ em luôn có sự hiếu kỳ và ham thích đùa nghịch dưới nước, nhất là khi thời tiết nóng bức. Do đó, để hạn chế tới mức thấp nhất tình huống trẻ bị đuối nước, người lớn cần chú ý chỉ rõ các mối nguy hiểm cho trẻ biết, nên lặp lại nhiều lần để trẻ ghi nhớ. Dù trẻ có kỹ năng bơi tốt cũng không được chủ quan, người lớn vẫn cần đóng vai trò chính trong việc cảnh báo trẻ; để trẻ tự do khám phá, phát triển không đồng nghĩa với việc người lớn buông lỏng vai trò quan sát, cảnh báo, phòng ngừa những nguy hiểm cho trẻ. |
Đông Hồ