Nhiều hình ảnh, clip quảng cáo sai sự thật, trong đó có những clip quảng cáo chữa bệnh được cơ quan chức năng phanh phui trong thời gian vừa qua khiến dư luận bất bình. Nhất là những quảng cáo có sự góp mặt của các diễn viên, người mẫu nổi tiếng, chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp những hậu quả có thể xảy ra đối với người tiêu dùng…
Nhiều hình ảnh, clip quảng cáo sai sự thật, trong đó có những clip quảng cáo chữa bệnh được cơ quan chức năng phanh phui trong thời gian vừa qua khiến dư luận bất bình. Nhất là những quảng cáo có sự góp mặt của các diễn viên, người mẫu nổi tiếng, chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp những hậu quả có thể xảy ra đối với người tiêu dùng…
Một quảng cáo đông y chữa bệnh nhanh chóng xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh nguồn internet |
Siết chặt công tác quản lý nhà nước về quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo quá đà so với công năng thật của sản phẩm, quảng cáo liên quan đến việc khám, chữa bệnh, thuốc y học cổ truyền nhằm xử lý nghiêm các vi phạm cũng như những người liên quan là vấn đề nhiều người tiêu dùng đề xuất.
* Nhan nhản quảng cáo trực tuyến sai sự thật
Rất dễ bắt gặp các hình thức quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng YouTube, Facebook, Zalo… Với đủ loại sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo tâng bốc quá mức so với chức năng thực tế gây hiểu nhầm cho người sử dụng.
Hiện nay người tiêu dùng chỉ cần ngồi nhà lướt mạng là có thể mua được tất tần tật những sản phẩm mình cần. Bên cạnh những tiện ích, mua hàng qua mạng cũng gặp không ít phiền toái bởi rất dễ mua nhầm các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trên mạng do người bán quảng cáo sai sự thật.
Chị Nguyễn Thị Mai (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) chia sẻ, vừa qua chị có mua một máy xay đa năng thông qua Facebook; chất lượng và công năng chiếc máy kém xa so với clip quảng cáo. Clip giới thiệu máy có thể xay được tất tần tật từ tỏi, ớt cho tới thịt, đậu… nhưng thực tế chỉ xay được tỏi, ớt còn bỏ thịt vào thì máy bất động. “Khi tôi nhắn tin phản ảnh với người bán thì không nhận được phản hồi. Bực quá tôi comment (bình luận - NV) phản hồi về tính năng sản phẩm để cảnh báo người mua nhưng nội dung này đã bị chủ hàng cho ẩn đi trên trang Facebook” - chị Mai kể.
Ngoài sản phẩm tiêu dùng, các quảng cáo về mỹ phẩm, dịch vụ làm đẹp… cũng được người bán và các spa online thổi phồng quá mức với sự tiếp tay của những người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ gây bức xúc cho không ít người sử dụng. Chị Nguyễn Thị Thương (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) bộc bạch, chị đã từng mua hàng khi xem livestream bán kem trắng da của nghệ sĩ L., thuốc giảm cân Golean của diễn viên T. giới thiệu về dùng nhưng kết quả không giống như quảng cáo. “Khi bôi kem họ bán, da tôi càng sạm hơn, uống thuốc giảm cân một thời gian thì đọc báo thấy sản phẩm trên có chứa chất cấm đang bị cơ quan chức năng xử lý” - chị Thương kể.
Còn chị Linh (ngụ P.Hóa An) thì cho biết, vì tin lời giới thiệu trên Facebook của diễn viên Th., chị đã mất oan gần 20 triệu đồng khi mua liệu trình giảm béo của một spa tại TP.Biên Hòa nhưng kết quả giảm cân không như diễn viên này quảng cáo trên mạng. Rõ ràng các nghệ sĩ đã không kiểm chứng sản phẩm mà nói như “đúng rồi” về các sản phẩm, dịch vụ mà họ được thuê để quảng cáo. Nội dung có mô típ chung là đã dùng sản phẩm đạt hiệu quả tốt mới giới thiệu để mọi người cùng dùng. Việc các nghệ sĩ lạm dụng danh tiếng cá nhân tham gia quảng cáo như vậy đã tiếp tay cho sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hàng giả hàng nhái hoành hành trên thị trường.
Bên cạnh đó, đáng lo nhất là việc “núp bóng” thực phẩm chức năng để quảng cáo thuốc trên mạng YouTube, Facebook. Nhiều người còn mượn danh thầy lang chữa bệnh, tự xưng là “thần y”, lương y để quảng cáo tràn lan về các bài thuốc gia truyền, khả năng chữa tất cả các loại bệnh, kể cả Covid-19, ung thư…
* Xử lý nghiêm các vi phạm
Trước tình trạng quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng tràn lan trên mạng, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước về quảng cáo khám, chữa bệnh, thuốc y học cổ truyền, Sở Y tế Đồng Nai vừa có văn bản yêu cầu Thanh tra Sở, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, phòng y tế các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; những cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm về hoạt động quảng cáo có thông tin, địa chỉ cụ thể.
Một quảng cáo đông y chữa bệnh nhanh chóng xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh nguồn internet |
Theo đó, Sở Y tế đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng đối với các trường hợp quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo để có biện pháp, công cụ hữu hiệu nhằm thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
“Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập chỉ được quảng cáo đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động và danh mục kỹ thuật chuyên môn được Sở Y tế phê duyệt” - BS Lê Quang Trung nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải, để khắc phục tình trạng quảng cáo sai sự thật các cơ quan quản lý cần giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc các hình thức kinh doanh, quảng cáo trái pháp luật, tiêu thụ hàng giả, các trang thông tin giả mạo. Đồng thời, cơ quan chức năng cần quy định chặt chẽ loại hình kinh doanh trên mạng để bảo vệ người tiêu dùng.
Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải khuyến cáo: “Người tiêu dùng chỉ nên mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, tại các cửa hàng có uy tín, kiểm tra thông tin sản phẩm qua mã vạch bằng cách quét mã UPC của sản phẩm. Trước khi quyết định mua sản phẩm nên tìm hiểu thông tin về tình trạng lưu hành của sản phẩm. Nếu có nghi ngờ về sản phẩm nên phản ảnh kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng”. |
Kim Liễu