Báo Đồng Nai điện tử
En

Các chiêu mới lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng

10:05, 14/05/2021

Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tiếp cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của khách hàng. Các đối tượng tội phạm luôn biết cách "biến hóa" làm mới nội dung, hình thức lừa đảo khiến nhiều người mất tiền oan.

Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tiếp cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của khách hàng. Các đối tượng tội phạm luôn biết cách “biến hóa” làm mới nội dung, hình thức lừa đảo khiến nhiều người mất tiền oan.

Các tin nhắn mạo danh ngân hàng để lừa đảo khách hàng. Ảnh do các ngân hàng cung cấp
Các tin nhắn mạo danh ngân hàng để lừa đảo khách hàng. Ảnh do các ngân hàng cung cấp

Theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, hiện nay các đối tượng lừa đảo hoạt động rất tinh vi. Ngoài ứng dụng khoa học công nghệ, các đối tượng tội phạm còn biết cách “biến hóa” đa dạng chiêu thức lừa đảo nên các chủ tài khoản phải nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ mình.

* Chiếm quyền sử dụng sim điện thoại để “cuỗm” tiền trong tài khoản

 Hình thức mạo danh nhân viên nhà mạng viễn thông để chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của khách hàng được xem là hình thức lừa đảo mới. Trong cảnh báo gửi khách hàng mới đây của một số ngân hàng thương mại như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)… nhận định đây là hình thức lừa đảo khá tinh vi.

Cụ thể, đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên nhà mạng liên hệ khách hàng và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại. Nếu đồng ý chuyển đổi, các đối tượng sẽ gửi tin nhắn SMS/gọi điện cung cấp thông tin serial sim 4G mới (do đối tượng lừa đảo kiểm soát) và hướng dẫn nhắn tin theo cú pháp của nhà mạng để chuyển đổi từ sim 3G (do khách hàng sử dụng) lên sim 4G của đối tượng lừa đảo.

Trường hợp khách hàng tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại của khách hàng. Nếu số điện thoại được khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, đối tượng lừa đảo có thể sử dụng số điện thoại để nhận thông tin giao dịch, mã OTP kết hợp với thông tin định danh (chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ngày sinh…) thu thập qua mạng xã hội, tài khoản email… để kích hoạt lại dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng, thực hiện giao dịch chuyển tiền, thanh toán giao dịch mua hàng trực tuyến nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Qua đó, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần thận trọng trước những cuộc gọi, tin nhắn bất thường đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại và chủ động liên hệ với các nhà mạng viễn thông để xác thực.

* Bán hồ sơ giả thu tiền thật

Ngoài việc dẫn dụ người dùng truy cập vào các đường dẫn được gửi đến thông qua tin nhắn SMS, email, Facebook Messenger... để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, các đối tượng lừa đảo còn tạo lập sử dụng website/trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu các ngân hàng để mời phát hành thẻ hoặc vay vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi có kèm đường dẫn lừa đảo của các diễn đàn, website mạo danh.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo khuyến cáo, để tránh “sập bẫy” tội phạm công nghệ cao, khi truy cập vào một website nào đó, khách hàng phải xem xét cẩn thận, không tiết lộ thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP cho bất cứ ai. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bất kỳ người nào trước khi hỏi lại, xác nhận thông tin từ phía ngân hàng hay các công ty cung cấp dịch vụ. Khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo qua giao dịch ngân hàng trực tuyến nên thông báo ngay qua số đường dây nóng của các tổ chức tín dụng nơi đăng ký tài khoản hoặc các điểm giao dịch gần nhất và báo cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.

Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh Đồng Nai Huỳnh Thị Khánh Lộc cho biết, mới đây, Vietcombank công bố hàng loạt các trang web mạo danh hỗ trợ khách hàng làm thẻ tín dụng hay hỗ trợ vay vốn như: https://www.vay-vietcombank.com.vn; https://vaytienvietcombank.com.vn; https://vietcombank-vaytinchap.com... Khi truy cập vào các trang web trên, khách hàng sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và bản sao hồ sơ tài chính cá nhân theo thông tin liên hệ của đối tượng lừa đảo (đối tượng lừa đảo chỉ cung cấp thông tin liên hệ là email, điện thoại và thường không gặp mặt trực tiếp). Trong một số trường hợp, khách hàng bị yêu cầu chi trả một khoản phí hỗ trợ hồ sơ thẻ tín dụng/vay và giải ngân tiền. Ngay sau khi chuyển tiền, khách hàng sẽ không thể liên hệ theo các số điện thoại của đối tượng lừa đảo.

Cũng  dùng chiêu mạo danh nhưng kẻ gian đánh vào lòng tham của nạn nhân, gửi thông tin cho các chủ tài khoản báo trúng thưởng, thanh toán tiền hàng hay nhận tiền từ người thân ở nước ngoài... dẫn dụ họ vào các đường link, trang web cung cấp thông tin tài khoản để có cơ sở nhận thưởng hoặc nhận tiền sau đó chiếm đoạt tiền. Có trường hợp kẻ gian còn chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản người nhận. Sau đó gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo có một giao dịch chuyển tiền đến bị treo và yêu cầu người nhận truy cập vào đường dẫn trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác thực thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền… người làm theo sẽ bị lộ thông tin và mất tiền.

Theo cảnh báo mới nhất từ các ngân hàng thương mại, thời gian gần đây, đối tượng lừa đảo trực tuyến còn mạo danh các công ty tài chính, chứng khoán; lập website giả mạo để lừa đảo đặt vấn đề giao dịch chứng khoán thông qua các hội nhóm, fanpage, Facebook… Từ các trang giả này, các đối tượng yêu cầu khách hàng cho biết số tài khoản để thanh toán chuyển khoản, yêu cầu người bán kiểm tra số tiền chuyển về bằng việc mở các đường link lừa đảo có giao diện giống với giao diện website của các ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Kim Liễu

Tin xem nhiều
Tài Khoản Quillbot Premium tại Premiumvns Thanh toán vnpay pr app từ thẻ tín dụng VPBank NEO