Tôi rất đồng tình với nội dung bài viết Xử lý nghiêm hành vi gây "ô nhiễm" tiếng ồn đăng trên báo Đồng Nai cuối tuần số ra ngày 2-5. Nội dung bài báo đã phản ánh rất đúng nỗi khổ của người dân đô thị trước thực trạng "ô nhiễm" tiếng ồn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giờ giấc sinh hoạt, sức khỏe và tinh thần của nhiều người.
Tôi rất đồng tình với nội dung bài viết Xử lý nghiêm hành vi gây “ô nhiễm” tiếng ồn đăng trên báo Đồng Nai cuối tuần số ra ngày 2-5. Nội dung bài báo đã phản ánh rất đúng nỗi khổ của người dân đô thị trước thực trạng “ô nhiễm” tiếng ồn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giờ giấc sinh hoạt, sức khỏe và tinh thần của nhiều người. Rõ ràng, hiện nay quy định về xử lý vi phạm về tiếng ồn đã có nhưng trên thực tế vẫn còn những bất cập cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy nêu rõ, mức xử phạt hành chính đối với hành vi gây mất trật tự ở khu dân cư hoặc nơi công cộng chỉ từ 100-300 ngàn đồng là quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, quy định mốc thời gian vi phạm để xử phạt hành chính đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau cũng là “rào cản” để lực lượng chức năng thực hiện xử phạt hành chính đối với hành vi gây ồn ào khu dân cư vào những thời điểm ngoài mốc thời gian nói trên.
Cụ thể, tại khu phố tôi đang ở thường xuyên có một nhóm người tụ tập mở loa thùng lớn để tập thể dục từ 4 giờ 30 đến 6 giờ 30 và từ 19-22 giờ gây ảnh hưởng lớn đến giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, khi tôi phản ảnh lên Công an phường thì Công an phường lại nói nếu trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau mới là trách nhiệm của công an, ngoài thời gian trên trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Còn chính quyền địa phương chỉ ghi nhận nhưng chưa xử lý vì thời điểm hoạt động gây ồn diễn ra ngoài giờ hành chính, địa phương gặp khó khăn về nhân sự trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Mặt khác, hiện nay, quy định pháp luật về xử lý vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư còn chung chung. Theo Khoản 3, Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm của UBND các cấp. Do đó, UBND phường sẽ phải tiếp nhận đơn phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn. Nhưng trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lại chưa quy định cụ thể thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn của UBND phường, xã nên các địa phương còn lúng túng khi thực hiện.
Do đó, theo tôi, cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm về tiếng ồn trong khu dân cư. Đồng thời, sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP theo hướng bổ sung thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn của UBND phường, xã, thị trấn để tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm về tiếng ồn, tránh tình trạng “quả bóng” trách nhiệm cứ đá qua đá lại và sự việc không được giải quyết dứt điểm khiến bức xúc kéo dài, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
An An (TP.Biên Hòa)