Nói tục, chửi thề, công kích người khác là hành vi vô văn hóa. Thế nhưng hiện nay, một số người đã lợi dụng môi trường mạng xã hội (MXH) để chửi và xem đó như một cách để giải trí, "câu like" và xả stress.
Nói tục, chửi thề, công kích người khác là hành vi vô văn hóa. Thế nhưng hiện nay, một số người đã lợi dụng môi trường mạng xã hội (MXH) để chửi và xem đó như một cách để giải trí, “câu like” và xả stress.
Ảnh: P.Liễu |
Những clip, livetream chửi bậy đang tràn lan trên MXH YouTube. Những ngôn từ tục tĩu không chỉ làm vấy bẩn sự trong sáng của tiếng Việt mà còn gây phản cảm, bức xúc cho người nghe, nạn nhân trong vụ việc. Hành vi vô văn hóa này cần được pháp luật xử lý cũng như sự tẩy chay từ cộng đồng mạng, nhằm hạn chế tác hại cũng như làm trong sạch môi trường mạng.
* Xuất hiện nhiều “thánh” chửi
Truy cập vào kênh YouTube và nhập cụm từ “thánh chửi”, chỉ trong 0,49 giây đã có gần 3 triệu kết quả liên quan đến “chửi” xuất hiện. Xem qua một số clip của các “thánh” chửi cho thấy, nội dung chửi chủ yếu nhằm “bóc phốt” chuyện đời tư người khác; “câu view”; livetream bán hàng...
Nếu ai đã từng xem qua các clip chửi mới thấy choáng trước những ngôn từ tục tĩu đang được các “thánh” chửi tuôn ra trên MXH. Không ít “thánh” chửi nhìn giang hồ, bặm trợn nhưng cũng có những “thánh” chửi có ngoại hình xinh xắn, nữ tính nhưng ngôn từ tuôn ra thì người nghe không rát tai cũng phải đỏ mặt. Không chỉ các cá nhân thích “chửi”, MXH hiện còn có cả Hội những người thích chửi, Hội chửi thuê... với những cuộc "tổng sỉ vả" rất kinh khủng trên MXH.
TS Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học - xã hội và nhân văn TP.HCM, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) cho rằng, để hạn chế bị ảnh hưởng, tác động từ những kênh MXH có nội dung thiếu lành mạnh, người dùng MXH cần có sự chọn lọc khi theo dõi thông tin; đề xuất xử lý những clip, livestream vượt quá giá trị đạo đức, pháp luật. Bản thân mỗi người cũng cần cân nhắc khi đưa sản phẩm lên MXH, phải lường được cả những bình luận tương tác quá khích, công kích cá nhân, gây bức xúc trong cộng đồng mạng. |
Nhiều clip chửi của những “thánh” chửi này được làm chẳng vì lý do đặc biệt nào. Với nhiều người, đơn giản chửi như là một cách giải trí, xả stress, chửi cho... sướng miệng, chửi bất chấp sự khó chịu và tổn thương của người tiếp nhận. Chẳng hạn các tài khoản như: Giang hồ mồm Việt Nam, Đầu moi, Anh lớn Bắc Ninh... thường xuyên cập nhật clip “chửi” đời, chửi người kiểu vui chửi, buồn chửi, không vui không buồn cũng... chửi.
Cụ thể như tài khoản Tin hot chuyên “đăng đàn” chửi “bóc phốt” người khác. Chỉ trong hơn 1 tháng (từ 2-4 đến 10-5), nữ chủ tài khoản này đã đăng tới 12 clip chửi vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (thường gọi Dũng "lò vôi") và bà Nguyễn Phương Hằng (chủ Khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương). Hoặc những tài khoản như: Mèo Phò, Trang Khàn vừa bán hàng vừa chửi, thậm chí “chửi” đã trở thành “thương hiệu” của chủ sạp mỗi khi livetream bán hàng. Hay một số tài khoản như: Lisa Phạm, Trang Lê... vẫn ngang nhiên “đăng đàn” chửi chế độ…
Điều đáng nói là những clip, livetream của các “thánh” chửi lại có một lượng theo dõi rất lớn. Kênh YouTube của các “thánh” chửi có tiếng luôn có từ vài trăm ngàn đến cả triệu lượt theo dõi. Cụ thể như một clip của Trang Lê đăng tải cũng thu hút hơn 30 ngàn lượt xem; của Trang Khàn là 175 ngàn lượt và Lisa Phạm là gần 70 ngàn lượt...
Bà Đặng Thị Lan Hương, cựu giáo viên môn Tâm lý học Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho rằng nhiều người dùng MXH đang nhìn nhận sai lệch về sự tự do ngôn luận. Bởi, tự do ngôn luận không đồng nghĩa với tự do chửi bới, xúc phạm người khác, nhân danh tự do để quấy rối người khác. Đáng lo ngại hơn là livetream của các “thánh” chửi này đang phát tán một thứ “rác” tinh thần, không chỉ gây tổn thương “nhân vật” bị chỉ trích, xúc phạm, mà còn ảnh hưởng đến những người vô tình xem phải, đặc biệt là trẻ vị thành niên - đối tượng chiếm phần lớn khán giả của những livetream này.
* Kiến nghị tăng mức xử phạt
Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga nhận định, hiện nay bên cạnh nội dung trên MXH hay, hữu ích vẫn còn không ít nội dung trên MXH như YouTube có nội dung nhảm nhí, phản cảm và tiêu cực, trong đó có các video của một số đối tượng chuyên bới móc, công kích đời tư người khác bằng những ngôn từ hết sức tục tĩu. Do đó, bà Nga cho rằng, các giải pháp công nghệ cũng như trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, quản lý chỉ góp phần giảm mối nguy hiểm, giảm tác động tiêu cực đến người tiếp nhận, quan trọng nhất vẫn là vai trò của các gia đình khi cho con dùng MXH, sự tự ý thức của người trẻ khi tiếp cận những kênh thông tin trên MXH.
Ở góc độ pháp luật, LS Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung Tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, các hành vi văng tục, chửi bậy, xúc phạm, thậm chí là chửi bới nhau trên MXH đang rất phổ biến và đây là hành vi vi phạm pháp luật, với mức xử phạt từ 10-20 triệu đồng, nặng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt từ 3 tháng đến 3 năm tù.
Tuy nhiên, theo LS Ngô Văn Định, hiện nay, việc quản lý các clip “bẩn” trên MXH còn nhiều lỗ hổng. MXH dù là thế giới ảo nhưng là môi trường chung và có sự ảnh hưởng thực đến đời sống của nhiều người, cho nên cần có những mức xử phạt cao hơn để tăng tính răn đe, giáo dục. Thêm vào đó, cần có sự tham gia của các công ty công nghệ để sàng lọc nội dung, gỡ ngay các clip, livestream có nội dung xấu, độc; thậm chí thu hồi vĩnh viễn tài khoản MXH có nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Phương Liễu