Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề phòng thủ đoạn mạo danh cơ quan, đơn vị chức năng để lừa đảo

08:05, 04/05/2021

Ngoài thủ đoạn mạo danh các ngân hàng thương mại điện thoại, nhắn tin dẫn dụ người nhận đăng nhập vào trang web lừa đảo để chiếm dụng tiền trong tài khoản ngân hàng…, thời gian gần đây, một số đối tượng còn mạo danh cảnh sát giao thông (CSGT) gọi điện lừa người dân đóng phạt, giả mạo và lợi dụng hình ảnh, logo và tên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để cho vay tín chấp…

Ngoài thủ đoạn mạo danh các ngân hàng thương mại điện thoại, nhắn tin dẫn dụ người nhận đăng nhập vào trang web lừa đảo để chiếm dụng tiền trong tài khoản ngân hàng…, thời gian gần đây, một số đối tượng còn mạo danh cảnh sát giao thông (CSGT) gọi điện lừa người dân đóng phạt, giả mạo và lợi dụng hình ảnh, logo và tên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để cho vay tín chấp…

Một đối tượng giả danh nhân viên điện lực vào nhà một hộ dân ở H.Thống Nhất bán thang xếp. Ảnh: Kim Liễu
Một đối tượng giả danh nhân viên điện lực vào nhà một hộ dân ở H.Thống Nhất bán thang xếp. Ảnh: Kim Liễu

Hiện đã có nhiều trường hợp người dân ở TP.HCM và các tỉnh lân cận “mắc bẫy” như trên do các đối tượng lừa đảo. Tại Đồng Nai, các cơ quan chức năng, đơn vị kinh doanh cho biết, chưa nhận được phản ảnh của người dân về các trường hợp tương tự. Tuy nhiên, việc nắm bắt thông tin các thủ đoạn lừa đảo để nâng cao tinh thần cảnh giác luôn cần thiết.

* Mạo danh CSGT yêu cầu đóng phạt

Mới đây, Phòng CSGT Công an TP.HCM đã có cảnh báo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại liên quan đến biên lai xử lý vi phạm qua hình ảnh (phạt nguội) giao thông.

Đơn vị này cho biết, trong thời gian qua, lợi dụng việc phạt nguội của Phòng CSGT Công an TP.HCM, nhiều đối tượng dùng thủ đoạn gọi điện thoại, mạo danh cán bộ CSGT để lừa người dân đóng tiền phạt nguội nhằm chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là tự xưng mình là người thuộc cơ quan công an, bưu điện… gọi điện đến người dân báo có liên quan đến một biên lai xử phạt nguội về giao thông nhằm làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý phạt nguội; đồng thời, yêu cầu nạn nhân bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an cảnh báo người dân cần cảnh giác, nếu nhận được các cuộc gọi liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông, đề nghị nhanh chóng báo tin cho cơ quan công an địa phương nơi gần nhất để lực lượng chức năng làm cơ sở điều tra, xác minh, đấu tranh. Người dân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin số tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ mail…) cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào.

Theo đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh, công tác xử lý vi phạm giao thông qua camera được thực hiện qua nhiều khâu. Sau khi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông được ghi hình lại, cơ quan chức năng sẽ trích xuất các hình ảnh vi phạm có đủ yếu tố xử phạt. Sau đó, hoàn thành hồ sơ phiếu báo xác định hành vi vi phạm kèm thông báo vi phạm và chuyển đến người vi phạm bằng thư gửi bảo đảm qua đường bưu điện. Nếu sau 15 ngày mà người vi phạm vẫn chưa đến cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm hành chính thì Phòng CSGT sẽ phối hợp với công an phường, xã, thị trấn gửi lại thông báo vi phạm tới chủ phương tiện. Khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ phương tiện hoặc đại diện chủ phương tiện hoặc người có hành vi vi phạm và phương tiện vi phạm đến trụ sở cơ quan chức năng để giải quyết. Lực lượng CSGT không thông báo nộp phạt qua điện thoại.

* Lợi dụng hình ảnh, logo EVN cho vay tín chấp

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam xuất hiện các tờ rơi đăng tải thông tin hỗ trợ vay tín chấp dưới dạng giả mạo và lợi dụng hình ảnh, logo và tên của EVN.

Để cảnh báo người dân trước các hành vi có dấu hiệu lừa đảo trên, EVN khẳng định không có bất kỳ hoạt động cho vay tín chấp nào như nội dung các tờ rơi nêu trên đăng tải. Đồng thời, EVN không có bất kỳ đơn vị trực thuộc nào hoặc doanh nghiệp liên kết nào có tên là Ngân hàng Điện lực Việt Nam.

Việc một số đơn vị, cá nhân giả mạo thông tin, quảng cáo, phát tán tờ rơi in logo và thương hiệu EVN khi chưa được sự chấp thuận, cho phép của EVN trong nhiều hoạt động khác nhau là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu lừa đảo. EVN khuyến cáo người dân cần đề phòng và nâng cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng trước những thông tin từ các tờ rơi không rõ căn cứ, nguồn gốc.

Đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho biết, hiện chưa phát hiện trường hợp vi phạm tương tự xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc mạo danh nhân viên điện lực để đi bán đồ điện đã từng xảy ra. Đơn cử như trước đây có trường hợp người dân đã phản ảnh trên địa bàn H.Thống Nhất thường xuất hiện người đàn ông đi xe máy, mặc đồ giống đồng phục ngành điện. Người này vào nhà người dân rao bán thang xếp, nói đây là vật tư của ngành điện dùng dư nên chia lại với giá rẻ cho bà con sử dụng. Tuy nhiên, thực tế giá bán sản phẩm cao gần gấp đôi so với giá thị trường.

Kim Liễu

Tin xem nhiều