Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành Vận tải kiểm soát chặt, tránh lây lan dịch Covid-19

09:05, 09/05/2021

Sau khi Đồng Nai ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vào ngày 5-5, công tác phòng, chống lây lan dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt. Trong đó, riêng lĩnh vực vận tải hành khách cũng được tăng cường, nâng cao hơn nữa công tác phòng dịch...

Sau khi Đồng Nai ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vào ngày 5-5, công tác phòng, chống lây lan dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt. Trong lĩnh vực vận tải hành khách, các ngành chức năng, đơn vị quản lý yêu cầu tiếp tục tăng cường, nâng cao phòng dịch cao hơn một bước.

Nhân viên xe buýt thực hiện vệ sinh phòng, chống dịch tại Bến xe Biên Hòa trước khi xe hoạt động. Ảnh: Thanh Hải
Nhân viên xe buýt thực hiện vệ sinh phòng, chống dịch tại Bến xe Biên Hòa trước khi xe hoạt động. Ảnh: Thanh Hải

* Vừa chạy vừa lo…

Trong lịch trình của ca bệnh Covid-19 số 2999 (bà B.T.T., ngụ đường Ngô Quyền, P.Xuân Thanh, TP.Long Khánh), bà T. có đi xe khách của hãng xe Cúc Phương từ TP.HCM về Đồng Nai.

Ngay sau khi ghi nhận vụ việc, TP.Long Khánh đã tạm đình chỉ hoạt động hãng xe này từ ngày 5 đến 12-5, với lý do: “Để thực hiện các biện pháp ngăn chặn các nguy cơ làm lây lan dịch bệnh Covid-19 do có nhiều trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh”.

Theo các doanh nghiệp vận tải, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra thì công tác phòng dịch đã được chú trọng, nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, rủi ro đối với doanh nghiệp rất lớn khi phải tạm dừng hoạt động do liên quan Covid-19. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh này vẫn diễn biến phức tạp.

Ông L.H. (chủ doanh nghiệp vận tải ở TP.Biên Hòa) cho biết, những ngày qua, các chuyến xe khách đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung đã giảm sút mạnh. Khách hàng lo sợ dịch bệnh nên đã không chọn xe ô tô để di chuyển dù nhà xe trang bị đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định. Hơn nữa, một số địa phương ngừng tiếp nhận xe ở những tỉnh, thành có người mắc Covid-19 khiến những chuyến xe khách vốn đã thưa thớt nay càng vắng vẻ hơn.

“Lo lắng nhất hiện nay của doanh nghiệp chính là những rủi ro khi hoạt động. Bởi chỉ cần ca bệnh nào đó đi xe thì khả năng hãng xe buộc phải phong tỏa, tạm dừng kinh doanh trong khi các chi phí khác doanh nghiệp vẫn phải trả. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải tuân thủ nghiêm biểu đồ chạy xe, từ thời gian đến lịch trình, muốn giảm chuyến, thay đổi thời gian phải chờ xin ý kiến từ cơ quan quản lý rất lâu” - ông H. nói.

Tương tự, ông Đ. (một chủ xe buýt tuyến 601 từ Bến xe Biên Hòa đi Bến xe miền Tây, TP.HCM) cho hay, hơn 1 năm qua dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng và có tác động nặng nề khiến doanh thu của tuyến xe buýt 601 chỉ bằng 45-50% so với trước đây. Dù đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: bổ sung thêm bồn rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh, bắt buộc hành khách đeo khẩu trang… nhưng chỉ cần hành khách lơ là cũng có thể làm lây lan dịch bệnh.

“Từ khi dịch bùng phát trở lại và ngày càng phức tạp thì nhiều chủ xe vừa chạy vừa lo. Lo thu không đủ để chi trả các khoản phí, mà chạy nếu lỡ có hành khách mắc Covid-19 thì cũng rất khổ. Lúc đó, chủ xe, nhân viên, lái xe không có việc làm và thu nhập” - ông Đ. nói.

* Tuân thủ quy định phòng, chống dịch trong kinh doanh vận tải

Phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đỗ Thị Hải Phương cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp do đó công tác phòng, chống dịch tiếp tục được nâng cao. Hiện nay, đối với tất cả các chuyến xe buýt hoạt động trên địa bàn, đơn vị đã yêu cầu nhân viên bán vé, lái xe từ chối vận chuyển các trường hợp hành khách không đeo khẩu trang theo đúng quy định. Những trường hợp không đeo khẩu trang sẽ không được đi xe để đảm bảo phòng, chống dịch.

Mới đây, Sở GT-VT đã có văn bản yêu cầu, các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị quản lý, khai thác bến xe, các bến thủy, bến khách ngang sông thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải như: bổ sung thêm bồn rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh (có ít nhất 60% nồng độ cồn); bắt buộc đeo khẩu trang đối với người điều khiển phương tiện, tiếp viên, người phục vụ, hành khách và mọi người khác trong khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe… và trên các phương tiện vận tải hành khách.

Các đơn vị kinh doanh vận tải (đặc biệt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, xe hợp đồng) yêu cầu hành khách đi xe phải khai báo y tế theo quy định; lập danh sách hành khách kèm theo địa chỉ, số điện thoại từng người nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng truy vết khi cần. Đối với vận tải khách tuyến cố định, xe buýt và taxi, các đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách thực hiện nghiêm việc khai báo, cập nhật thông tin thường xuyên lên phần mềm An toàn Covid-19 để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng khẳng định, giám đốc các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị quản lý, khai thác bến xe phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin khai báo, cập nhật lên phần mềm An toàn Covid-19 của đơn vị. Các lực lượng, bộ phận giám sát của Sở sẽ tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp vi phạm quy định về việc đeo khẩu trang bắt buộc.

Cấm xe khách dừng đón, trả khách tại vùng dịch

Bộ GT-VT vừa có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh quyết định dừng, điều chỉnh tần suất hoạt động của xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt trong địa bàn tỉnh.

Với vận tải liên tỉnh, bao gồm: xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt có hành trình qua tỉnh hoặc địa bàn tỉnh (vùng có dịch) thì không được dừng, đỗ tại tỉnh hoặc địa bàn tỉnh (vùng có dịch) đó để đón, trả khách.

Các tỉnh cần hạn chế tối đa hoạt động của phương tiện cá nhân. Xe vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất được hoạt động bình thường.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích