Báo Đồng Nai điện tử
En

Người dân được tra cứu thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia

08:05, 06/05/2021

Từ ngày 14-5-2021, người dân có nhu cầu sẽ được tra cứu thông tin cư trú cá nhân bằng văn bản hoặc tin nhắn trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sổ hộ khẩu giấy và một số loại giấy tờ tùy thân khác sẽ hủy bỏ vào ngày 31-12-2021.

Từ ngày 14-5-2021, người dân có nhu cầu sẽ được tra cứu thông tin cư trú cá nhân bằng văn bản hoặc tin nhắn trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sổ hộ khẩu giấy và một số loại giấy tờ tùy thân khác sẽ hủy bỏ vào ngày 31-12-2021.

Người dân làm căn cước công dân tại một điểm ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Trần Danh
Người dân làm căn cước công dân tại một điểm ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Trần Danh

Đây là một quy định mở hết sức thuận lợi, qua đó tạo điều kiện cho người dân được cung cấp và sử dụng những thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu chung quốc gia để làm các thủ tục hành chính cần thiết.

* Nhiều hình thức tra cứu thông tin

Công dân được tra cứu thông tin cư trú cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia là điểm mới được quy định tại Nghị định 37/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 137/2015/NĐ-CP ngày 31-12-2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân (CCCD) có hiệu lực từ ngày 14-5-2021.

Cụ thể, Nghị định 37/2021/NĐ-CP cho phép công dân khai thác thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia dưới nhiều hình thức: bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, qua dịch vụ nhắn tin hoặc truy cập cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

Theo đó, đối với hình thức tra cứu bằng văn bản yêu cầu được quy định tại Điều 10 Nghị định 37/2021/NĐ-CP như sau: Người dân có nhu cầu tra cứu thông tin khi gửi văn bản đề nghị đến người có thẩm quyền, yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, thì cần nêu rõ lý do, mục đích sử dụng thông tin; thời gian khai thác, thông tin cần khai thác và cam đoan về việc chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, người có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia hay không. Trường hợp đồng ý cho phép khai thác thông tin, cơ quan này  sẽ có văn bản trả lời và cung cấp thông tin cho công dân; trường hợp không đồng ý cũng sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do không được cung cấp thông tin.

Riêng việc khai thác thông tin qua dịch vụ nhắn tin, hiện nay Bộ Công an chưa công bố cú pháp tin nhắn dịch vụ khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo thông tin từ Bộ Công an, cú pháp dịch vụ tin nhắn sẽ được công bố trước ngày 14-5, cũng như có những hướng dẫn cụ thể. Riêng với hoạt động khai thác qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, hiện Bộ Công an đang kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu từ Bộ cho các hệ thống thông tin liên quan từ cấp bộ ngành đến cấp tỉnh, nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của công dân.

Ông Trần Văn Thiện, một cán bộ về hưu (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, việc thu thập các dữ liệu, thông tin cá nhân của công dân, cũng như sau này có sự tích hợp nhiều loại giấy tờ vào CCCD thông qua mã định danh, sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân. Khi có sự tích hợp này, sổ hộ khẩu cũng như một số loại giấy tờ khác sẽ bị bỏ... thì việc cho người dân được quyền tra cứu thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia là rất đúng đắn, thông tin được cung cấp chính xác, rõ ràng đến các cơ quan hành chính, đồng thời giảm thời gian, chi phí cho người dân khi đến làm các thủ tục hành chính.

* Sớm hoàn thành công tác cấp CCCD, mã định danh

Hiện nay, để tạo điều kiện cho người dân khi có nhu cầu khai thác, tra cứu thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia có hiệu lực bắt đầu từ ngày 14-5, đồng thời thực hiện theo yêu cầu tiến độ của Bộ Công an về thời hạn cấp thẻ CCCD trên địa bàn Đồng Nai, trung tá Nguyễn Tiến Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.Biên Hòa cho biết, hiện các cán bộ, chiến sĩ công an chia 3 ca và luân phiên thu thập thông tin cá nhân, sàng lọc, hoàn chỉnh để sớm hoàn thành chỉ tiêu cấp hơn 1,5 triệu thẻ CCCD trước ngày 1-7. Khi có CCCD và mã định danh, người dân có thể tra cứu thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Có căn cước công dân hoặc mã định danh, người dân có thể tra cứu thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Ảnh: Phương Liễu
Có căn cước công dân hoặc mã định danh, người dân có thể tra cứu thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Ảnh: Phương Liễu

Nhiều người dân băn khoăn, đối với những người đã được cấp CCCD thì mới có mã định danh và có thể tra cứu thông tin, nhưng người chưa đủ tuổi được cấp CCCD hoặc người thay đổi giới tính, muốn tra cứu thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia liệu có gặp khó khăn?

Tại Điều 15 Nghị định 137/2021/NĐ-CP cũng đã sửa đổi, bổ sung điều 15 của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP về quy định trình tự, thủ tục cấp mã định danh cá nhân đối với công dân đã đăng ký khai sinh. Cụ thể, công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân, thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ xác lập số định danh cá nhân cho những công dân này. Ngay sau khi xác lập được mã định danh cá nhân cho công dân, cơ quan trên sẽ có văn bản thông báo cho công dân mã định danh cá nhân đã được xác lập, lúc này các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, công dân này có thể thực hiện tra cứu thông tin cá nhân để phục vụ học tập cũng như các thủ tục hành chính.

LS Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, việc triển khai cấp mã định danh, cho phép công dân được tra cứu thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu chung quốc gia là một bước tiến trong ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phù hợp với xu hướng phát triển giao dịch trực tuyến của chính phủ điện tử trong tương lai.

An Nhiên

Tin xem nhiều