Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng chi phí hỗ trợ học nghề: Chia sẻ khó khăn với người lao động

09:05, 18/05/2021

Từ ngày 15-5-2021, người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ được tăng chi phí hỗ trợ học nghề. Chính sách nhân văn này nhằm chia sẻ một phần khó khăn với những lao động thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Từ ngày 15-5-2021, người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ được tăng chi phí hỗ trợ học nghề. Chính sách nhân văn này nhằm chia sẻ một phần khó khăn với những lao động thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động đã bị mất việc phải nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong ảnh: Nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh: Phương Liễu
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động đã bị mất việc phải nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong ảnh: Nhân viên Bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh: Phương Liễu

Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BHTN vừa được Chính phủ ban hành tại Quyết định 17/2021/QĐ-TTg, trong đó mức hỗ trợ học nghề được tăng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng (mức hỗ trợ cũ là 1 triệu đồng/người/tháng).

* Linh động ngành nghề được hỗ trợ

Theo Sở LĐ-TBXH, hiện nay Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể ngành nghề được hỗ trợ, mà chỉ quy định về các điều kiện được hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ học nghề và trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện hỗ trợ học nghề cho NLĐ tham gia BHTN. Do đó, NLĐ được toàn quyền lựa chọn ngành nghề mình quan tâm để học như: lái xe hay cắt may, uốn tóc, nấu ăn, nghề tiện, hàn, mộc... vì các nghề này đều được hưởng hỗ trợ chi phí học nghề. Ngoài ra, sau khi học xong, NLĐ còn được hỗ trợ tìm, tạo cơ hội việc làm.

Như vậy, NLĐ tham gia BHTN có thể chọn học bất kể nghề nào thuộc danh mục nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp cũng đều được hỗ trợ theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg. Tuy nhiên, phải đạt đủ 4 điều kiện sau: chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy định của pháp luật; đã tiến hành nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày hộp hồ sơ; đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Đối với thời gian hỗ trợ học nghề, quy định này được tính theo thời gian học nghề thực tế, nhưng không quá 6 tháng/khóa học và được hỗ trợ một lần để NLĐ học một nghề tại các cơ sở đào tạo nghề. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: mức hỗ trợ tính theo mức học phí của cơ sở đào tạo nghề và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa; với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. Trường hợp NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề, thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: từ 14 ngày trở xuống được tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng. Nếu NLĐ có nhu cầu học những nghề đòi hỏi có thời gian học dài hơn 6 tháng và mức học phí cao hơn 1,5 triệu đồng/tháng thì phải tự thanh toán các khoản chi phí chênh lệch.

* Kịp thời và nhân văn

Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp ngừng, tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến nhiều NLĐ mất việc, giảm việc, đời sống khó khăn. Trước thực trạng trên, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh rất kịp thời và nhân văn như: hỗ trợ tiền trong 3 tháng đối với những lao động mất việc, giảm việc; hỗ trợ tìm việc làm  mới; giải quyết nhanh các trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp và đặc biệt là hỗ trợ chi phí học nghề để NLĐ học một nghề phù hợp với điều kiện của mình và sớm quay trở lại thị trường lao động.

Chuyên viên dạy nghề làm tóc của Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo nghiệp vụ Rosa (TP.Biên Hòa) đang hướng dẫn học viên cắt tóc. Ảnh Rosa cung cấp
Chuyên viên dạy nghề làm tóc của Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo nghiệp vụ Rosa (TP.Biên Hòa) đang hướng dẫn học viên cắt tóc. Ảnh Rosa cung cấp

6 năm trước, chị Đỗ Thị Ngọc Hoa (tạm trú tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa) rời quê ở tỉnh Quảng Nam vào làm công nhân cho một công ty gia công giày da tư nhân trên địa bàn TP.Biên Hòa. Cuối năm 2020, chị Hoa và nhiều lao động khác bị công ty cho nghỉ việc vì hàng tồn dư không bán được nên sản xuất ngừng trệ. Tuy nhiên, nhờ nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp 1,2 triệu đồng/tháng và tiền hỗ trợ học nghề từ 1 triệu đồng/tháng, chị cũng có chi phí để học nghề uốn tóc.

Chị Hoa cho rằng: “Việc nâng mức hỗ trợ học nghề lên 1,5 triệu đồng/tháng rất kịp thời, giúp những lao động thất nghiệp như tôi có điều kiện học nghề để sau này có tay nghề, thu nhập ổn định hơn”.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phạm Minh Thành cho hay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp còn gặp khó khăn, số lượng NLĐ mất việc phải nhận trợ cấp thất nghiệp vẫn còn nhiều. Tính từ đầu năm 2020 đến tháng 4-2021, BHXH tỉnh đã giải quyết thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp cho hơn 82 ngàn lao động với tổng số tiền hơn 1,5 ngàn tỷ đồng và chi hỗ trợ học nghề cho gần 1,8 ngàn lao động với hơn 6,8 tỷ đồng... Do đó, việc tăng chi phí học nghề cho NLĐ mất việc là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và nhân văn, nhằm hỗ trợ NLĐ trong lúc khó khăn, có điều kiện học nghề, nhanh chóng tìm được việc làm hoặc một công việc phù hợp, sớm ổn định cuộc sống.

Thủ tục nhận hỗ trợ học nghề cho NLĐ thất nghiệp

Đối với NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chỉ cần đến trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh hoặc huyện, thành phố để điền và nộp đơn đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu của Bộ LĐ-TBXH. Còn những lao động thất nghiệp đã có thời gian đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên nhưng không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ gồm: đơn đề nghị hỗ trợ học nghề; bản chính hoặc bản sao có công chứng của một trong số các giấy tờ xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động như: quyết định nghỉ việc, thôi việc, quyết định sa thải, văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc và bản chính sổ bảo hiểm xã hội.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Tin đăng viec làm cần thơ tại Vieclam24h