Báo Đồng Nai điện tử
En

Vận động bầu cử đảm bảo công bằng, đúng luật

02:05, 20/05/2021

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND năm 2015 quy định 3 nguyên tắc vận động bầu cử: việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó; các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND năm 2015 quy định 3 nguyên tắc vận động bầu cử: việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó; các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

Phó trưởng phòng Tư pháp H.Nhơn Trạch Nguyễn Thị Ngọc Mai tuyên truyền về pháp luật bầu cử cho cán bộ và người dân xã Long Tân (H.Nhơn Trạch) vào ngày 14-4. Ảnh: D.Quỳnh
Phó trưởng phòng Tư pháp H.Nhơn Trạch Nguyễn Thị Ngọc Mai tuyên truyền về pháp luật bầu cử cho cán bộ và người dân xã Long Tân (H.Nhơn Trạch) vào ngày 14-4. Ảnh: D.Quỳnh

Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Võ Thị Xuân Đào lưu ý, việc vận động bầu cử ngoài tuân thủ các nguyên tắc trên còn phải tuân thủ Điều 68 (những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử) của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015.  Người nào vi phạm các quy định về vận động bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Chỉ được làm những điều luật cho phép

Bà Võ Thị Xuân Đào cho biết, Điều 65 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định, việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức: gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 và thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của luật này.

Theo quy định, tại các buổi tiếp xúc cử tri, đại diện Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử. Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.

Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử ĐBQH gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương mình gửi đến ủy ban bầu cử cùng cấp và ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp.

* Vi phạm sẽ bị chế tài

Điều 68 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định, những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử như: lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.  Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Bên cạnh đó, tại Điều 63 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định 3 nguyên tắc vận động bầu cử:  việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó; các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử. Do đó, người nào vi phạm điều cấm và nguyên tắc về vận động bầu cử sẽ bị xử lý nghiêm.

Người dân xã Long Tân (H.Nhơn Trạch) tham dự buổi tuyên truyền về pháp luật bầu cử do Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện tổ chức vào ngày 14 -4
Người dân xã Long Tân (H.Nhơn Trạch) tham dự buổi tuyên truyền về pháp luật bầu cử do Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện tổ chức vào ngày 14 -4

Bà Võ Thị Xuân Đào cho hay, theo quy định, người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 95, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015).

Cũng theo bà Võ Thị Xuân Đào, người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như: kê khai hồ sơ ứng cử không trung thực, gian dối, giả mạo thông tin, vi phạm các quy định về vận động bầu cử…) thì có thể bị xóa tên trong danh sách chính thức những người ứng cử hoặc nếu đã được bầu thì cũng không được công nhận tư cách ĐBQH, đại biểu HĐND.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định, người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1-2 năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1-3 năm: có tổ chức; dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm.

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều