Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch Covid-19

09:07, 25/07/2021

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội quy định về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định về hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết:

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phạm Minh Thành. Ảnh: Gia An
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phạm Minh Thành. Ảnh: Gia An

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành BHXH gồm: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ. Hiện tại, các chính sách này đang được BHXH triển khai đến các đơn vị sử dụng lao động, NLĐ gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh.

* Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Kể từ ngày 1-7, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian áp dụng từ ngày 1-7-2021 đến hết 30-6-2022) cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, NLĐ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Như vậy, thay vì phải đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì doanh nghiệp dùng số tiền đó để chăm lo NLĐ trong phòng, chống dịch.

Ngoài 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành bảo hiểm xã hội, khi bị ngừng việc, nghỉ việc do Covid-19, người lao động còn được hưởng các chế độ chính sách khác. Ảnh minh họa: Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ngoài 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành bảo hiểm xã hội, khi bị ngừng việc, nghỉ việc do Covid-19, người lao động còn được hưởng các chế độ chính sách khác. Ảnh minh họa: Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

* Những trường hợp nào NLĐ và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất ?

- Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, người sử dụng lao động đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4-2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4-2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì NLĐ và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Riêng đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

* Theo quy định thì NLĐ còn được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm, vậy điều kiện thủ tục và thời gian hưởng hỗ trợ này được quy định ra sao, thưa ông?

- Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng các điều kiện sau:

Người sử dụng lao động đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại Khoản 1, Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để duy trì việc làm cho NLĐ.

Mức hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/NLĐ/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng, tương ứng mức hỗ trợ cao nhất là 9 triệu đồng/NLĐ. Thời hạn nộp hồ sơ đề nghị là từ ngày 1-7-2021 đến hết 30-6-2022. Hồ sơ gồm:

+ Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ và kê khai về doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.

+ Văn bản của người sử dụng lao động về việc thay đổi cơ cấu, công nghệ.

+ Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo quy định tại Khoản 4, Điều 9, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

+ Xác nhận của cơ quan BHXH về việc người sử dụng lao động đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ và đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp đối với NLĐ tham gia đào tạo. Gửi hồ sơ đến Sở LĐ-TBXH trong 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, để được xem xét, quyết định việc hỗ trợ.

Bên cạnh các chính sách nêu trên, ngành BHXH còn thực hiện xác nhận trong 6 chính sách hỗ trợ thiết thực khác như: hỗ trợ NLĐ tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc, nghỉ việc không lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn, trả lương ngừng việc cho NLĐ…

* Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều