Báo Đồng Nai điện tử
En

Trừ hết phép năm vào thời điểm nghỉ giãn cách có đúng không?

09:07, 25/07/2021

Một bạn đọc làm việc ở Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành) thắc mắc, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, công ty nơi anh làm việc ra văn bản thông báo cho công nhân nghỉ 14 ngày, ai có phép năm thì trừ hết phép năm sẽ tính không lương, như vậy có đúng không?

* Một bạn đọc làm việc ở Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành) thắc mắc, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, công ty nơi anh làm việc ra văn bản thông báo cho công nhân nghỉ 14 ngày, ai có phép năm thì trừ hết phép năm sẽ tính không lương, như vậy có đúng không? Ai tiếp tục làm việc thì phải ở lại nhà máy. Tuy nhiên, một số người xét nghiệm Covid-19 từ 7 ngày trước đó vẫn được ở lại, trong khi theo quy định phải xét nghiệm trong vòng 3 ngày, vậy công ty có đủ điều kiện “3 tại chỗ” không?

- Về nội dung này, luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: Thứ nhất, về việc trừ phép năm, theo quy định tại Khoản 4, Điều 113, Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động (NLĐ) và phải thông báo trước cho NLĐ biết. NLĐ có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm/lần. Việc bố trí lịch nghỉ hằng năm là do người sử dụng lao động xây dựng và trao đổi với NLĐ. Do đó, việc công ty bố trí NLĐ nghỉ việc trong thời gian dịch bệnh là không sai nhưng cần phải trao đổi với NLĐ.

 Thứ hai, về tiền lương và xét nghiệm: Theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, hiện nay các doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng vừa sản xuất, vừa cách ly NLĐ với phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ). Khi thực hiện phương án phải xét nghiệm cho toàn bộ NLĐ (kết quả xét nghiệm trong thời hạn 72 giờ) và có trách nhiệm bảo đảm điều kiện ăn ở cho NLĐ. Việc công ty yêu cầu NLĐ vào làm việc mà không xét nghiệm là chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch của các cơ quan nhà nước.

 Đối với NLĐ phải tạm ngừng việc trong thời gian giãn cách xã hội, không thể vào làm việc, công ty thực hiện trả lương cho NLĐ theo Khoản 3, Điều 99, Bộ luật Lao động năm 2019 như sau: trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu (Điểm a). Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu (Điểm b).

Trong trường hợp công ty không thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh và chế độ của NLĐ thì NLĐ có thể báo cho Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai để được xem xét hỗ trợ.

Đoàn Phú (ghi)

Tin xem nhiều