Trong một số vụ tranh chấp đất đai, những người trong cuộc do thiếu hiểu biết pháp luật đã ủy quyền cho "cò" đứng ra theo đuổi vụ kiện. Hậu quả, có người mất tiền nhưng vụ việc tranh chấp vẫn không thể giải quyết.
Trong một số vụ tranh chấp đất đai, những người trong cuộc do thiếu hiểu biết pháp luật đã ủy quyền cho "cò" đứng ra theo đuổi vụ kiện. Hậu quả, có người mất tiền nhưng vụ việc tranh chấp vẫn không thể giải quyết.
Khi có thắc mắc về pháp luật liên quan đến tranh chấp đất đai, người dân cần tìm đến các tổ chức tư vấn pháp luật uy tín. Trong ảnh: Luật sư Lưu Hồng Khanh, Hội Luật gia tỉnh (thứ 2 từ trái sang) tư vấn cho người dân về một vụ tranh chấp đất đai (Ảnh chụp vào năm 2020). Ảnh: Đoàn Phú |
* “Cò” đất kiêm "cò" khiếu kiện
Học hành chỉ mới đến bậc THCS, nhưng nhờ nhiều năm làm “cò” đất nên ông V.V.T. (ngụ xã Cẩm Đường, H.Long Thành) cũng hiểu biết ít nhiều quy định pháp luật về đất đai. Vì vậy, ông T. khoe với nhiều người là ông có thể làm trung gian giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai nếu người dân có nhu cầu và ông lấy thù lao xăng xe đi lại, chi phí ngoại giao, trà nước, đơn từ... Khi vụ việc thành công, người thắng kiện tùy tâm mà “bồi dưỡng” chứ ông không đòi hỏi.
Tại xã Cẩm Đường, bà N.T.D. có tranh chấp 200m2 đất với ông hàng xóm T.V.B. và được nhiều luật sư giải thích rằng bà khởi kiện sẽ không có cơ sở, sẽ thua kiện, tốn án phí. Vì theo hồ sơ vụ việc, ông B. nhận chuyển nhượng hợp pháp từ một người dân địa phương 6 ngàn m2 đất vườn và khu đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2014. Qua quá trình sử dụng đất, vị trí mốc giới giữa các khu đất tiếp giáp với đất ông B. vẫn không thay đổi và diện tích đất ông này sử dụng hiện vẫn trùng với diện tích đất được cấp giấy chứng nhận trước và sau khi chuyển nhượng.
Thế như, khi được ông T. thuyết phục rằng khởi kiện thì thắng chắc nên bà D. ủy quyền cho ông T. thay bà gửi đơn khởi kiện, khiếu nại ở nhiều nơi. Mỗi lần như vậy, “cò” T. đều yêu cầu bà đưa tiền triệu lo trà nước, xăng xe, đơn từ. Cứ vậy, hết năm này sang năm khác, vụ việc của bà chẳng có tiến triển vì đơn tới đâu cũng được các cơ quan thụ lý trả lời đúng như những gì các luật sư tư vấn cho bà trước đó.
Tương tự, cũng vì tin lời "cò" đất, ông N.Đ.Tr. (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) đã ủy quyền cho ông P. (ngụ cùng địa phương) làm "cò" đất thay ông khởi kiện việc tranh chấp đất với một người thân trong gia đình. Ông Tr. bỏ ra cả trăm triệu đồng sau gần 2 năm nhờ “cò” P. lo liệu, nhưng vụ việc đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.
* Chiêu trò tâm lý của “cò”
Theo các luật sư, luật gia Hội Luật gia tỉnh, do nắm bắt được tâm lý người dân khi đi thưa kiện hoặc bị thưa kiện thì luôn cho rằng mình đúng, cái sai thuộc về người khác nên các “cò” khiếu kiện tranh chấp đất đai thường nắm bắt tâm lý “luôn muốn mình đúng” của người dân mà chiều theo ý muốn của họ để gợi ý, vòi vĩnh thù lao, chi phí. Do đó, người dân thưa kiện hoặc bị kiện đưa ra yêu cầu, mục đích gì, dù không có cơ sở, chứng cứ vững chắc, “cò” khiếu kiện cũng gật gù, a dua theo.
Điều mà “cò” khiếu kiện cần là bằng mọi giá thỏa mãn được tâm lý người đi kiện, bị kiện, nói được tiếng nói mà họ cần nói, có người nghe, hiểu và chiều theo ý của họ để được nhận thù lao. Còn thắng thua, được mất là việc của người đi kiện, bị kiện.
Vì vậy, người dân lúc nào cũng tin tưởng “cò” sẽ làm cho mình thắng kiện và bỏ ngoài tai những lý lẽ, cơ sở chứng cứ mà chính quyền, luật sư đã tư vấn, giải đáp, khuyến cáo họ không nên thưa kiện hoặc thỏa thuận với bên kiện để giải quyết cho ổn thỏa, tránh phức tạp tình hình.
Luật sư Lưu Hồng Khanh, Hội Luật gia tỉnh bày tỏ, đáng lo ngại trong hoạt động của "cò" khiếu nại tranh chấp đất là những người này đã hiểu rõ các vụ việc tranh chấp khó có thể thắng kiện (do "cò" tìm đến tư vấn pháp luật ở nhiều nơi) nhưng vẫn nói dối với người ủy quyền cho mình đi khiếu kiện là vẫn có thể thắng kiện. Từ đó, "cò" hướng dẫn người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo người đang tranh chấp đất hoặc cơ quan giải quyết ban đầu gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân bị khiếu kiện, cũng như các cơ quan, tổ chức tham gia giải quyết vụ việc.
Cũng theo luật sư Lưu Hồng Khanh, pháp luật hiện hành không cấm việc ủy quyền trong việc giải quyết tranh chấp đất đai. Tuy vậy, pháp luật quy định rất rõ, người nhận ủy quyền nếu không thực hiện đúng việc được ủy quyền thì phải bồi thường nếu để xảy ra thiệt hại; không được xúi giục người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật; lợi dụng việc ủy quyền để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Đoàn Phú