Báo Đồng Nai điện tử
En

Để đảm bảo an toàn thông tin khi làm việc, học tập trực tuyến

09:08, 22/08/2021

Gần 2 năm nay, khi các làn sóng dịch Covid-19 liên tục bùng phát, nhiều cá nhân, tổ chức đã hình thành thói quen làm việc/học tập từ xa, giao nhận nhiệm vụ, truyền tải văn bản… thông qua các ứng dụng trực tuyến.

Gần 2 năm nay, khi các làn sóng dịch Covid-19 liên tục bùng phát, nhiều cá nhân, tổ chức đã hình thành thói quen làm việc/học tập từ xa, giao nhận nhiệm vụ, truyền tải văn bản… thông qua các ứng dụng trực tuyến.

Người dân cài đặt các tính năng bảo mật từ hướng dẫn của Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19 do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT xây dựng. Ảnh: Đăng Tùng
Người dân cài đặt các tính năng bảo mật từ hướng dẫn của Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19 do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT xây dựng. Ảnh: Đăng Tùng

Bên cạnh sự tiện lợi, làm việc/học tập trực tuyến vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin do sự bất cẩn của người dùng hoặc lỗ hổng bảo mật, khiến đối tượng xấu có cơ hội đánh cắp thông tin hoặc tấn công mạng.

* Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin

Theo Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT-TT, nguy cơ mất an toàn thông tin với cá nhân và tổ chức thường nằm ở việc lộ lọt mật khẩu (vô tình làm lộ hoặc cố tình chia sẻ mật khẩu), bị cài lén phần mềm độc hại qua việc truy cập đường dẫn không an toàn hoặc thư điện tử có mã độc, lỗ hổng phần mềm khi lập trình… Khi đó, các dữ liệu, thông tin có thể bị kẻ xấu trực tiếp xâm nhập (như người dùng thật sự) hoặc thông qua virus để phá hủy, thay đổi, hoặc bị sao chép.

Cũng theo Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước xảy ra hơn 2,9 ngàn cuộc tấn công mạng, tăng 898 cuộc so với cùng kỳ năm 2020, giảm 244 cuộc so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 6-2021, đã có 718 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin, các cuộc tấn công này có thể bắt nguồn từ một mắt xích nhỏ nhất là hành vi của người sử dụng dẫn đến mất an toàn cả hệ thống.

Các cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống lớn gây ảnh hưởng đến hoạt động. Đối với cá nhân, khi dùng ứng dụng, mạng xã hội trong làm việc, học tập, giải trí, chủ yếu việc mất an toàn thông tin lại làm lộ bí mật đời tư như: thông tin, hình ảnh, hoạt động cá nhân và bị đánh cắp dữ liệu tài chính cá nhân. Kéo theo đó, là mất tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bị dùng thông tin, hình ảnh cá nhân để đứng tên khoản nợ.

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương vừa cảnh báo một số hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng. Cụ thể là các thủ đoạn thông qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại mạo danh cán bộ ngân hàng đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản để kích hoạt, mở khóa tài khoản. Hoặc thủ đoạn thường gặp nhưng không kém nguy hiểm là chiếm quyền điều khiển các tài khoản mạng xã hội rồi giả mạo, đề nghị người quen chuyển tiền… Đáng nói, tất cả các hành vi trên đều có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc mất an toàn thông tin khi làm việc, học tập trên không gian mạng.

* Tỉnh táo, tự bảo vệ bản thân

Để giúp người dân và các tổ chức bảo đảm an toàn thông tin trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 như hiện nay, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT vừa xây dựng Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19. Trong đó hướng dẫn một số kỹ năng, thao tác cơ bản giúp người dùng internet trên cả điện thoại và máy tính có thể bảo đảm an toàn thông tin khi thao tác với các ứng dụng trực tuyến.

Cẩm nang hướng dẫn các thao tác an toàn, cài đặt bảo mật đối với hoạt động làm việc từ xa, học trực tuyến, liên lạc trực tuyến, giải trí. Với các bước thiết lập máy tính, thiết bị an toàn để làm việc từ xa, phòng chống thư điện tử lừa đảo; cài đặt, sử dụng, bảo mật trên phần mềm họp trực tuyến, làm việc nhóm và các mạng xã hội (chủ yếu là Facebook, Zalo, TikTok) và các ứng dụng thanh toán trực tuyến.

Mới đây, ngày 18-8, Bộ trưởng TT-TT đã ban hành Chỉ thị 49/CT-BTTTT về thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số an toàn, lành mạnh. Chỉ thị yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ nền tảng số cần dùng các nền tảng an toàn, có công cụ quản lý và xử lý tin giả. Thận trọng khi cung cấp dữ liệu cá nhân; không tương tác với các trang thông tin, tài khoản có dấu hiệu đăng tin giả, phạm pháp… Đặc biệt, người dùng cần nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin trên không gian mạng, phản ánh vi phạm tới cơ quan chức năng và lan tỏa các thông tin, hình ảnh chính thống mang tính tích cực.

Ngoài ra, Sở TT-TT khuyến cáo, để đề phòng bị cài đặt các mã độc, người dân cần tỉnh táo không nhấp vào các đường dẫn lạ, khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi mạo xưng người của ngân hàng đề nghị cung cấp thông tin cần kiểm tra chéo lại với tổng đài hoặc trực tiếp đến các chi nhánh ngân hàng gần nhất. Người dùng cần kiểm tra kỹ độ tin cậy của các ứng dụng trước khi cài đặt và giới hạn mức độ tiếp cận thông tin cá nhân của ứng dụng đó.

Hiện tại, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT có trang web khonggianmang.vn hỗ trợ người dùng internet tự kiểm tra mạng lưới những máy tính đã bị chiếm quyền điều khiển từ xa, kiểm tra lộ lọt thông tin tài khoản cá nhân, kiểm tra tập tin độc hại, công cụ giải mã... Ngoài ra, trang tinnhiemmang.vn cũng cung cấp nhãn tin cậy về an toàn thông tin, giúp người dùng nhận biết và xác định các trang web tin cậy, ngăn ngừa các cuộc tấn công lừa đảo...

Đăng Tùng

Tin xem nhiều