Bài viết Siết chặt phòng dịch Covid-19 ở các doanh nghiệp "3 tại chỗ" trên Báo Đồng Nai số ra ngày 2-8 nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Nhiều ý kiến cho rằng, tình hình thực tế hiện nay vẫn còn những tồn tại, bất cập trong việc triển khai thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" cần được quan tâm chấn chỉnh.
Bài viết Siết chặt phòng dịch Covid-19 ở các doanh nghiệp “3 tại chỗ” trên Báo Đồng Nai số ra ngày 2-8 nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ).
Các doanh nghiệp chỉ được thực hiện “3 tại chỗ” khi đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh Trong ảnh: Người lao động được bố trí chỗ ở tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa. Ảnh: C.T.V |
Nhiều ý kiến BĐ cho rằng, tình hình thực tế hiện nay vẫn còn những tồn tại, bất cập trong việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” cần được quan tâm chấn chỉnh nhằm đảm bảo hiệu quả trong phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, bảo vệ sức khỏe người lao động (NLĐ).
* Để NLĐ yên tâm làm việc
Để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, thời gian qua tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sắp xếp để hoạt động ổn định, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa nội địa và xuất khẩu.
Anh H., công nhân Công ty CP Toget Việt Nam (đóng tại xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) chia sẻ, khi dịch bệnh bùng phát, điều mà anh lo nghĩ đầu tiên là sợ mất việc làm, không có thu nhập để lo cho bản thân, gửi về quê cho gia đình. Đến khi doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, anh đã đăng ký ở lại công ty để làm việc. “Trong tình hình dịch bệnh phức tạp thì việc công ty bố trí cho công nhân được ăn, ở, làm việc tại chỗ là hợp lý, tôi đồng tình với phương án này” - anh H. nói.
Theo anh H., để mô hình “3 tại chỗ” đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc bảo đảm cơ sở vật chất, lãnh đạo doanh nghiệp cần làm tốt công tác tư tưởng cho NLĐ, vì nhiều người chưa hiểu rõ nên còn ngại thực hiện mô hình này. Nhất là những ngày qua khi tại một số DN thực hiện “3 tại chỗ” đã xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 thông qua test nhanh khiến nhiều NLĐ lo lắng.
Để NLĐ yên tâm sản xuất, anh Đỗ Trường Sơn (công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2) kiến nghị, ngoài việc phổ biến để NLĐ nắm rõ các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, khi thực hiện “3 tại chỗ”, cơ quan chức năng nên lập đường dây nóng ghi nhận ý kiến của NLĐ phản ảnh về các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo phòng, chống dịch bệnh tại nơi họ làm việc. “Đây là vấn đề tế nhị trong nội bộ công ty, NLĐ rất khó góp ý thẳng với lãnh đạo doanh nghiệp vì sợ ảnh hưởng đến công việc. Nếu kịp thời ghi nhận ý kiến phản ảnh của NLĐ thì hay quá, việc này giúp cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát, ngăn chặn sớm nguy cơ dịch bệnh, tránh hình thành các ổ dịch trong các công ty” - anh Sơn nói.
* Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm
Trước tình trạng một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tạm dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn phòng dịch, khiến dịch bệnh lây lan trong công nhân lao động vừa qua, nhiều ý kiến BĐ cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm các điều kiện đảm bảo khi thực hiện chủ trương “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, nhất là phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch cho NLĐ khi ăn, ở, làm việc tại doanh nghiệp.
Anh H.V.T., công nhân ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) cho biết, công ty của anh đang thi công xây dựng một dự án trong Khu công nghiệp Hố Nai. Chủ đầu tư không quan tâm test sàng lọc Covid-19 cho công nhân thi công dự án mà để mặc các nhà thầu tự sắp xếp và bố trí. Tại nơi anh làm việc thường xuất hiện thêm các nhóm công nhân không rõ ở đâu được vào công trình thi công nhưng không thấy ai kiểm tra, nhắc nhở. Điều này khiến anh và một số NLĐ không yên tâm và nhận thấy rủi ro, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.
Một số BĐ còn cho biết, thay vì theo quy định phải đi kiểm tra các điều kiện trước khi doanh nghiệp bố trí người ở lại nơi sản xuất nhưng một số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ vẫn thực hiện ngay phương án “3 tại chỗ” mà chỉ cần làm cam kết. Sau đó cũng không thấy cơ quan chức năng xuống kiểm tra. Việc này sẽ tạo nguy cơ để F0 lọt vào doanh nghiệp rất cao.
BĐ Hoàng Duy Thuấn (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ, qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, vẫn có những doanh nghiệp không xét nghiệm nhanh Covid-19 cho NLĐ, không đảm bảo chỗ ăn, ở cho NLĐ. Ở bên trong công ty, NLĐ không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách khi tiếp xúc… Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay mà những doanh nghiệp này quá chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Hành vi xem thường tính mạng của NLĐ và của cả cộng đồng này rất đáng phê phán.
Để không phát sinh các F0 trong doanh nghiệp, đảm bảo điều kiện an toàn cho NLĐ yên tâm sản xuất, nhiều ý kiến BĐ đề xuất cơ quan chức năng “siết chặt” công tác phòng dịch tại các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu ngừng sản xuất đối với doanh nghiệp vi phạm, các cơ quan chức năng nên xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm để răn đe.
Kim Liễu