Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (gọi tắt là dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy năm 2021).
Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (gọi tắt là dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy năm 2021).
Thời gian tới, căn cứ xác định người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ được quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Trong ảnh: Một đối tượng liên quan đến ma túy bị Tổ Kiểm tra phòng, chống Covid-19 số 16 Công an tỉnh bắt giữ ngày 16-8. Ảnh: Đăng Tùng |
Dự thảo này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, làm rõ hơn các quy định liên quan tới phòng, chống ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy… được nêu trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2022).
* Quy định việc kiểm soát các hoạt động liên quan ma túy
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 gồm: 6 chương, 63 điều và đang được lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 26-8 đến 26-10. Trong đó, đáng chú ý là các quy định về kiểm soát những hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; bổ sung các quy định về kiểm soát các hoạt động tạm xuất, tái nhập các chất liên quan đến ma túy. Đồng thời, dự thảo cũng hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lập hồ sơ và thời gian quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo Bộ Công an, một trong những mục đích khi xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý chặt chẽ, thuận lợi. Từ đó đảm bảo sự thống nhất trong quy định về hoạt động phối hợp giữa công an và các lực lượng khác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển; đồng thời, kiểm soát chặt hơn các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy… |
Luật sư Vy Thị Nhung (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng, dự thảo nói trên đã cụ thể hóa việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy mà trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 chỉ nêu chung chung. Điển hình như dự thảo quy định rõ, cơ quan, tổ chức thuộc các bộ, ngành (Công an, Quốc phòng, Y tế, Công thương, NN-PTNT) được phép nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối chất ma túy… vì các mục đích an ninh, quốc phòng, công nghiệp, y tế, thuốc thú y. Riêng các Bộ: Y tế, Công thương, NN-PTNT còn được phép chỉ định các cá nhân thực hiện các hoạt động với mục đích tương ứng như trên.
Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định trình tự, thủ tục cấp phép và kiểm soát hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; kiểm soát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc và nguyên liệu làm thuốc... Để các hoạt động trên được đảm bảo chặt chẽ, dự thảo đã nêu rõ việc lập hồ sơ, chế độ báo cáo và lập dự trù trong quá trình xuất, nhập khẩu ma túy.
Ngoài ra, điểm mới của dự thảo lần này là đã quy định rõ biện pháp mà lực lượng chức năng được phép dùng để cưỡng chế người không chấp hành xét nghiệm (trước đây không quy định).
Cụ thể, cơ quan công an cấp xã sẽ lập biên bản đối với hành vi chống đối, cản trở việc xét nghiệm chất ma túy và báo cáo chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định cưỡng chế. Sau đó, sẽ áp giải người sử dụng trái phép chất ma túy đến trụ sở công an cấp xã để xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể.
* Siết chặt phòng, chống ma túy
Theo nhận định từ các cơ quan chức năng, những điểm mới nêu trên của dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 sẽ giúp tăng cường công tác phối hợp trong phòng, chống ma túy giữa lực lượng công an với các đơn vị khác. Đồng thời, các quy định trong dự thảo này cũng đã cụ thể hóa các điều khoản trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, giúp lực lượng công an tại địa phương quản lý tốt các đối tượng nghiện tại địa bàn.
Theo Công an P.Tân Biên (TP.Biên Hòa), với quy định xử lý trường hợp không chấp hành xét nghiệm chất ma túy sẽ tạo hành lang pháp lý giúp lực lượng chức năng dễ thực thi nhiệm vụ. Nhất là quy định cho phép “áp giải người sử dụng trái phép chất ma túy đến trụ sở công an cấp xã để xét nghiệm chất ma túy” sẽ hạn chế tình trạng lợi dụng kẽ hở quy định pháp luật để các đối tượng trốn tránh việc xét nghiệm chất ma túy khi được lực lượng chức năng yêu cầu.
Tương tự, theo Công an xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ), điểm mới trong luật và được cụ thể hóa bằng dự thảo là việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ngay từ lần đầu sử dụng. Trong đó nêu rõ các bước thực hiện, thời gian thu thập thông tin, hoàn chỉnh hồ sơ quản lý, thời hạn quản lý… Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quản lý chặt hơn người sử dụng ma túy tại nơi đang cư trú.
Cụ thể là bằng cách quy định căn cứ xác định người sử dụng trái phép chất ma túy và lập hồ sơ quản lý; khi đối tượng chuyển đi nơi khác sinh sống, hồ sơ này cũng sẽ được UBND cấp xã đang quản lý chuyển cho chính quyền địa phương mới để tiếp tục quản lý. Từ đó có thể giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi nguy hiểm của người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra.
Bên cạnh triển khai lấy ý kiến dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Bộ Công an còn phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Nghị định quy định về cơ sở y tế đủ điều kiện được xác định tình trạng nghiện ma túy; phối hợp với Bộ LĐ-TBXH xây dựng nghị định về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy… Những văn bản trên sau khi lấy ý kiến sẽ được các bộ, ngành hoàn thiện trình Chính phủ chính thức ban hành.
Minh Thành