Sau hơn 1 tuần triển khai học online, bên cạnh những bất tiện như: thiếu thiết bị học tập, đường truyền internet kém…, học sinh còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn rủi ro khi sử dụng các thiết bị cần phải sạc điện như: máy tính, laptop, điện thoại…
Sau hơn 1 tuần triển khai học online ở nhiều bậc học, bên cạnh những bất tiện như: thiếu thiết bị học tập, đường truyền internet kém…, học sinh còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn rủi ro khi sử dụng các thiết bị cần phải sạc điện như: máy tính, laptop, điện thoại…
Một học sinh tiểu học ở P.Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) học online. Ảnh: Kim Liễu |
Vì vậy, phòng ngừa tai nạn thương tích cũng như chủ động trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn khi học online cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học trong thời điểm này là vấn đề cần quan tâm.
* Lưu ý an toàn về điện
Vụ việc một học sinh tiểu học tại TP.Hà Nội bị điện giật tử vong tại nhà khi học trực tuyến vừa qua khiến nhiều người lo lắng về vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia học trực tuyến. Chia sẻ vấn đề này tại các diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh, giáo viên cần sát sao hơn với trẻ, trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình.
Anh Hà Phạm Bửu Lộc, một phụ huynh, cũng là kỹ sư điện (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho rằng, người lớn cần chủ động trong việc phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra cho trẻ. Việc lắp đặt, kết nối thiết bị học tập tại nhà phải được phụ huynh thực hiện đúng cách, phù hợp và thuận lợi cho con. Song song đó, cần hướng dẫn các cháu một số nguyên tắc chung về an toàn điện như: khi cắm sạc vào ổ điện, tay phải khô, chân phải đi dép và tuyệt đối không chạm tay vào phần có kim loại. Không được cầm trên tay các vật dụng bằng kim loại như: kéo, compa hay các vật dụng có kim loại khi cắm sạc; tránh làm đổ nước vào thiết bị học, gây chập điện…
Khuyến cáo về an toàn điện cho trẻ em của Tập đoàn Điện lực Việt Nam |
“Đối với trẻ nhỏ, để tránh rủi ro tốt nhất nên dùng băng keo dán che kín ổ điện khi không dùng đến; nhắc nhở các em tránh xa các thiết bị điện; đặc biệt thấy dây điện bị sờn, hở, chạm. chập phải báo ngay cho người lớn, không được dùng ngón tay hoặc que đâm, chọc vào các ổ cắm” - anh Lộc lưu ý.
Việc sử dụng các thiết bị công nghệ khi học online như: máy tính bàn, máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nếu không dùng đúng cách. Anh Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng kỹ thuật một công ty thiết bị tin học trên đường Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, để kéo dài tuổi thọ của thiết bị cũng như đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị bắt buộc phải tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn của nhà sản xuất.
Theo anh Tiến, hiện nay do giãn cách xã hội nên việc mua các thiết bị mới để học online gặp trở ngại. Do đó, nhiều phụ huynh tận dụng điện thoại, laptop cũ cho con học online. Đối với các thiết bị đã qua sử dụng lâu năm, ngoài xem xét cấu hình nên kiểm tra kỹ bộ dây sạc, pin. Về dây sạc nên xem có hở, đứt ở đâu hay không, nếu có nên lập tức thay mới. Pin của laptop, máy tính bảng có tuổi thọ từ 12-24 tháng là bắt đầu giảm hiệu suất, từ 5 năm trở lên, pin sẽ bị chai, nếu có điều kiện nên được thay thế, dù có thể tốn một ít chi phí nhưng sẽ đảm bảo an toàn.
“Không sử dụng điện thoại, máy tính để học tập liên tục trong lúc cắm nguồn sạc pin. Vì ở một số dòng điện thoại, pin laptop quá hạn, việc vừa sạc vừa dùng, nhất là học trong thời gian dài sẽ tạo áp lực lớn lên pin khiến pin dễ nóng, phồng hay thậm chí phát nổ” - anh Tiến khuyến cáo.
* Chủ động phòng tránh tai nạn rủi ro
Ngoài an toàn về thiết bị thì vấn đề an toàn thông tin trên môi trường mạng cần được quan tâm khi trẻ học trực tuyến, các chuyên gia quản trị mạng lưu ý hiện nay việc quản lý các lớp học online khá đơn giản. Các đối tượng xấu có thể xâm nhập và đưa vào những đường link có chứa virus, hình ảnh có nội dung không lành mạnh… gây ảnh hưởng đến các em. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi quá trình học online của con cũng như lịch sử truy cập trên thiết bị để hướng dẫn, có biện pháp ngăn chặn các nội dung độc hại.
Cùng với đó, các phụ huynh nên quan tâm tạo không gian học tập riêng tư, thông thoáng, đủ sáng cho trẻ để trẻ không bị phân tâm, có thể tập trung học tập tốt hơn. Đảm bảo khoảng cách giữa mắt và màn hình thiết bị, giữa bàn học và ghế ngồi... sao cho phù hợp với lứa tuổi của các em. Đồng thời hướng dẫn các em tư thế ngồi phù hợp để tránh những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ trong tương lai.
BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho rằng: “Nhà trường cũng nên bố trí giờ học phù hợp, tăng thêm thời gian nghỉ xen kẽ giữa các tiết học để các em rời mắt khỏi màn hình, nghỉ ngơi đi lại, vận động, thư giãn nhằm đảm bảo phát triển thể chất và việc tiếp thu bài sẽ tốt hơn, hạn chế các bệnh học đường, phổ biến nhất là tật khúc xạ mắt”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch khuyến cáo, phụ huynh phải có sự giám sát chặt chẽ, chỉ dẫn các kỹ năng an toàn cho con em của mình, bất kể khi học online hay giải trí trên internet, bởi nguy cơ tai nạn thương tích luôn tiềm ẩn, nhất là khi trẻ sử dụng các thiết bị điện tử một mình. Để các em làm quen, thích nghi với môi trường học tập mới một cách an toàn hiệu quả, giáo viên ngoài việc dạy kiến thức trong chương trình sách giáo khoa cần cập nhật, trang bị thêm các kiến thức về điện, điện tử để hướng dẫn, cảnh báo các em trước mỗi giờ học. Khi được nhắc nhở thường xuyên, sẽ trở thành nhận thức, kỹ năng cho các em.
Kim Liễu