Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo tiêm chủng đúng tiến độ

10:09, 13/09/2021

Đồng Nai đang tăng tốc tiêm vaccine ngừa Covid-19 với mục tiêu đến trước ngày 15-9 sẽ phủ mũi 1 đến 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trong toàn tỉnh, tiến dần tới đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới". Tuy nhiên, do tâm lý lo ngại hết vaccine, thiếu vaccine nên nhiều người đi tiêm không đúng ngày hẹn, khung giờ hẹn dẫn đến tình trạng đông đúc tại một số điểm tiêm.

Đồng Nai đang tăng tốc tiêm vaccine ngừa Covid-19 với mục tiêu đến trước ngày 15-9 sẽ phủ mũi 1 đến 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trong toàn tỉnh, tiến dần tới đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, do tâm lý lo ngại hết vaccine, thiếu vaccine nên nhiều người đi tiêm không đúng ngày hẹn, khung giờ hẹn dẫn đến tình trạng đông đúc tại một số điểm tiêm.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài

Trao đổi về những lo lắng nói trên của người dân, Phó giám đốc Sở Y tế NGUYỄN HỮU TÀI cho biết, tuy vaccine về chậm nhưng chúng ta không lo thiếu vaccine. Ngành Y tế sẽ làm hết sức để công tác tiêm chủng được đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

* Thưa ông, công tác tiếp nhận và phân bổ vaccine ngừa Covid-19 trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào? Lượng vaccine được phân bổ về có đủ tiêm như kế hoạch đã đề ra đến trước ngày 15-9?

- Dân số Đồng Nai hiện nay khoảng 3,2 triệu người, riêng người từ 18 tuổi trở lên có khoảng 2,3 triệu người. Như vậy, Đồng Nai cần khoảng 4,6 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, đủ điều kiện sức khỏe để tiêm 2 mũi. Trước mắt, cần 2,3 triệu liều để tiêm mũi 1 cho toàn bộ cộng đồng và hoàn thành trước ngày 15-9.

Tuy nhiên, do sự khan hiếm vaccine chung trên toàn thế giới, nguồn vaccine Chính phủ nhập về cũng có giới hạn, đến nay Đồng Nai mới nhận được gần 1,8 triệu liều, bao gồm các loại:  Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Vero Cell. Theo thông tin từ Bộ Y tế, Đồng Nai sẽ được nhận thêm 500 ngàn liều. Như vậy, tuy vaccine về chậm nhưng chúng ta không lo thiếu vaccine để thực hiện theo kế hoạch tiêm chủng tới trước ngày 15-9.

Tính đến ngày 13-9, toàn tỉnh đã có hơn 1,6 triệu người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 (chiếm tỷ lệ 71,2% đối tượng trên 18 tuổi toàn tỉnh), trong đó có hơn 72,2 ngàn người đã tiêm đủ 2 liều vaccine.

* Hiện có nhiều người tiêm mũi 1 vaccine ngừa Covid-19 nhưng chưa được tiêm mũi 2 nên lo lắng nếu không được tiêm mũi 2 kịp thời sẽ làm giảm hiệu quả của mũi 1. Ngành Y tế giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Số người tiêm mũi 1 trong toàn tỉnh là rất lớn, phần lớn vẫn ở trong thời gian đợi tiêm nhắc mũi 2. Đối với những trường hợp đã tiêm mũi 1 vaccine Pfizer, AstraZeneca hay Vero Cell đang chờ thời gian để có thể tiêm tiếp mũi 2, dự kiến sẽ có nguồn cung cấp tiếp các vaccine này.

Hiện toàn tỉnh có hơn 84 ngàn người được tiêm vaccine Moderna mũi 1 và cần chừng ấy lượng vaccine này để tiêm mũi 2. Sự thiếu hụt vaccine Moderna không chỉ ở Đồng Nai mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác.

Đồng Nai còn hơn 37 ngàn liều Moderna để dành tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 cùng loại. Đối với lượng vaccine Moderna còn thiếu (khoảng 50 ngàn liều), trong thời gian chờ Bộ Y tế cấp bổ sung, người dân không quá lo lắng. Bởi đối với vaccine Moderna, khoảng cách 2 mũi tiêm là khoảng 4 tuần, tuy nhiên có thể kéo dài từ 6-8 tuần mà không lo giảm hiệu quả sinh kháng thể.

Nếu trong trường hợp bất khả kháng, Bộ Y tế không có vaccine Moderna để cấp bổ sung, tỉnh sẽ cho tiêm mũi 2 bằng một loại vaccine khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế mà vẫn bảo đảm an toàn và hiệu quả cho người dân.

* Việc tiêm mũi 2 vacine ngừa Covid-19 bằng một loại vaccine khác mũi 1 liệu có thực sự an toàn và hiệu quả không, thưa ông?

- Theo đề nghị của COVAC Facility (Cơ chế COVAX toàn cầu), tiêm mũi 1 loại nào thì mũi 2 loại ấy. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine nhằm tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch, mới đây, ngày 8-9-2021, trên cơ sở nhiều nghiên cứu của giới chuyên môn thế giới, Hội đồng Tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine Covid-19 không có mũi 2 cùng loại để tiêm cho người đã tiêm mũi 1 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2 như sau: Nếu tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 bằng Pfizer hoặc Moderna; nếu tiêm mũi 1 vaccine Moderna thì có thể tiêm mũi 2 bằng Pfizer và ngược lại. Việc sử dụng 2 loại vaccine cho 2 lần tiêm vẫn cho hiệu quả miễn dịch tốt và không làm tăng nguy cơ tác dụng phụ không mong muốn và các phản ứng nguy hại khác.

Người dân P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) vui mừng vì được tiêm vaccine  ngừa Covid-19 khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Phương Liễu
Người dân P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) vui mừng vì được tiêm vaccine ngừa Covid-19 khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Phương Liễu

* Thưa ông, theo quy định, khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2 của những loại vaccine ngừa Covid-19 như thế nào? Nếu tiêm mũi 2 không đúng lịch thì có làm giảm hoặc mất hiệu lực của vaccine không? Trong trường hợp này có cần phải tiêm lại?

- Hiện tại, Việt Nam có 6 loại vaccine được Bộ Y tế chứng nhận và cho lưu hành. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm ở mỗi loại vaccine có khác nhau. Ví dụ như: vaccine Pfizer (Mỹ - Đức) 2 mũi cách nhau 3 tuần; Moderna (Mỹ) 2 mũi cách nhau 4 tuần; AstraZeneca (Vương quốc Anh) 2 mũi cách nhau từ 4-12 tuần; Vero Cell (Trung Quốc) 2 mũi cách nhau từ 2-4 tuần; Sputnik (Nga) cách nhau 3 tuần...

Về nguyên tắc thì tiêm mũi 2 đúng lịch sẽ là tốt nhất. Đến nay chưa có quy định thời gian tối đa của việc chậm tiêm vaccine mũi 2 là bao nhiêu. Tuy nhiên, trong trường hợp thời gian tiêm mũi 2 chậm hơn thì người tiêm cũng không phải tiêm lại từ đầu, vì sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine.

* Để tiêm vaccine được an toàn, hiệu quả, người dân cần lưu ý những điều gì trước, trong và sau tiêm vaccine?

-  Trước khi đi tiêm, ngoài việc chuẩn bị những giấy tờ cần thiết như: giấy thông báo đi tiêm, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế (nếu có), người tiêm nên nghỉ ngơi đủ giấc, ăn uống đủ chất và nhất là phải có tâm lý thoải mái... Điều này sẽ giúp sinh miễn dịch tốt và giảm các triệu chứng bất thường, kể cả triệu chứng nặng cũng giảm đi...

Tại nơi tiêm chủng, nên thực hiện các biện pháp phòng dịch 5K, thực hiện đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Sau tiêm nên lưu lại 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm và tiếp tục theo dõi tại nhà trong vòng 7 ngày, đặc biệt cần theo dõi sát trong vòng 3 ngày đầu; vận động nhẹ nhàng, uống đủ nước để hạn chế tình trạng sốt, ăn nhiều hoa quả để bổ sung vitamin.

Trong trường hợp thấy các triệu chứng bất thường như: sốt cao không hạ, phù nề, đau bụng, nhịp tim nhanh, khó thở... là biểu hiện sớm của phản vệ do dị ứng với vaccine, nhất định không được tự ý điều trị mà cần thông báo ngay với cơ sở y tế để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều