Thời gian gần đây, lợi dụng kẽ hở của các ứng dụng (app) cho vay trả góp tín chấp, một số người vay tìm cách "xù" nợ khi không còn khả năng chi trả. Thậm chí, trên mạng xã hội (MXH) còn có các nhóm kín để những cá nhân chỉ cho nhau cách "xù" nợ trót lọt.
Thời gian gần đây, lợi dụng kẽ hở của các ứng dụng (app) cho vay trả góp tín chấp, một số người vay tìm cách “xù” nợ khi không còn khả năng chi trả. Thậm chí, trên mạng xã hội (MXH) còn có các nhóm kín để những cá nhân chỉ cho nhau cách “xù” nợ trót lọt.
Một trong những nhóm kín hướng dẫn cách “xù” tiền vay từ các app cho vay tiền. Ảnh chụp màn hình |
* Vay xong rồi… “xù”
Với từ khóa “bùng app vay tiền” hoặc “đối phó app cho vay”… trên MXH, người dùng có thể tìm thấy, tham gia các nhóm chuyên chia sẻ, hướng dẫn cách vay và trốn nợ từ các app cho vay.
Chỉ cần để lại vài dòng như: có nhu cầu vay và “xù” bao nhiêu tiền sẽ nhanh chóng có người vào giới thiệu app rồi hướng dẫn cách thực hiện. Không ít người còn “khoe” việc bản thân đang vay cùng lúc hàng chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng từ nhiều app cho vay khác nhau rồi hướng dẫn cách để trốn nợ an toàn.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa đưa ra một số lưu ý cho người tiêu dùng khi vay qua app như: chủ động tìm hiểu về hình thức giao dịch mà mình sẽ tham gia trước khi quyết định ký hợp đồng vay; không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. Đặc biệt, cần có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ. |
Tài khoản C.C.V. chia sẻ trên nhóm “Hội bùng app vay tiền” (có hơn 30 ngàn thành viên tham gia), việc chọn vay tiền tín chấp từ các app là để tránh các thủ tục kỹ lưỡng như của ngân hàng. Hầu như các app này chỉ cần chứng minh nhân dân, hình chụp người vay, một vài số điện thoại người thân cùng với việc cấp quyền cho truy cập danh bạ… mà không cần bất kỳ tài sản thế chấp nào.
Chính vì các thủ tục xét duyệt đơn giản nên không ít người cố tình dùng các giấy tờ giả, hình ảnh giả, sim “rác” để đăng ký rồi “xù” luôn tiền vay. Việc này được một số tài khoản chỉ dẫn cần tìm vài người liên kết với nhau để đóng vai người thân khi nhân viên bên app cho vay gọi kiểm tra chéo thông tin được cung cấp. Với “chiêu” này, không ít người đã vay được hơn 100 triệu đồng rồi “xù” trót lọt, thậm chí xem đó như một “chiến tích” để khoe.
Anh P.T.S. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) tham gia một số nhóm chuyên “xù” tiền vay các app tiết lộ, mức cho vay của các app với người lần đầu vay chỉ khoảng 500 ngàn đến 2 triệu đồng (thời hạn trả góp ngắn). Để chiếm đoạt được một số tiền lớn, nhiều người đã dùng cách vay ở các mức thấp và trả đúng hạn nhằm nâng hạn mức vay của bản thân. Sau 3-4 lần (kéo dài khoảng 2 tháng), số tiền được vay tối đa lên đến 20 triệu đồng, lúc này người vay sẽ “thả lưới” khi chọn vay mức cao nhất rồi “xù”. Đồng thời, các sim “rác” được dùng kết hợp ngụy tạo điều kiện cho vay cũng bị hủy nhanh chóng để cắt đứt liên lạc với app cho vay.
* Rủi ro pháp lý cao
Mặc dù cách “xù” tiền của các app cho vay tiền được nhiều người tận tình hướng dẫn công khai hoặc trao đổi riêng, nhưng thực tế không đơn giản như vậy mà tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đời tư của bản thân và người xung quanh khi liên tục nhận các cuộc gọi đòi nợ.
Trước thực tế đó, nhiều người vay đã chia sẻ kinh nghiệm trên các nhóm MXH rằng “hãy mặc kệ”; nếu không thể bỏ sim thì hãy chặn các số điện thoại lạ gọi tới. Không chỉ vậy, nhiều người còn ngang nhiên thách thức phía cho vay khi đáp trả tin nhắn đòi nợ bằng các lời lẽ khiêu khích. Họ cho rằng, sẽ không ai tìm đến tận nhà để đòi con số nợ chỉ trên dưới 10 triệu đồng nên cứ nghiễm nhiên “xù” nợ.
Theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), với hành vi thủ đoạn gian dối (ngụy tạo chứng minh nhân dân, hình ảnh, dùng sim “rác”) vay tiền rồi “xù” có thể phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể, người lừa đảo sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu số tiền bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản; đã bị kết án và chưa xóa án tích về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc một trong các tội quy định tại các điều: 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự năm 2015; gây ảnh hưởng an ninh trật tự…
Minh Thành