Báo Đồng Nai điện tử
En

'Rộng đường' phản ánh vi phạm hành chính

09:09, 21/09/2021

Sắp tới, người dân sẽ dễ dàng cung cấp cho cơ quan chức năng hình ảnh vi phạm hành chính (VPHC) được ghi lại từ các loại camera cá nhân khi quy định tiếp nhận, xử lý, bảo mật dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp được sửa đổi, bổ sung.

Người dân chụp hình hệ thống dây điện câu kéo không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại chợ Tân Mai (TP.Biên Hòa).
Người dân chụp hình hệ thống dây điện câu kéo không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại chợ Tân Mai (TP.Biên Hòa).

Sắp tới, người dân sẽ dễ dàng cung cấp cho cơ quan chức năng hình ảnh vi phạm hành chính (VPHC) được ghi lại từ các loại camera cá nhân khi quy định tiếp nhận, xử lý, bảo mật dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp được sửa đổi, bổ sung.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện VPHC (gọi tắt là Dự thảo quy định quy trình thu thập, sử dụng hình ảnh, clip do cá nhân, tổ chức cung cấp).

* Quy định rõ quy trình tiếp nhận, sử dụng hình ảnh

Dự thảo nói trên khi được ban hành sẽ thay thế Nghị định 165/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện VPHC về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Điểm đáng chú ý trong Dự thảo quy định quy trình thu thập, sử dụng hình ảnh, clip do cá nhân, tổ chức cung cấp chính là việc cho phép tiếp nhận hình ảnh phản ảnh VPHC từ người dân và cơ quan chức năng, căn cứ vào đó tiến hành xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, kết luận vụ việc, xử lý VPHC.

Tại dự thảo này, quy trình tiếp nhận, thu thập, sử dụng hình ảnh, clip (gọi chung là dữ liệu) thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp được quy định rõ ràng, cụ thể. Theo đó, nêu rõ hình thức cung cấp dữ liệu, giá trị sử dụng dữ liệu, cơ quan được phép tiếp nhận, xác minh dữ liệu… trong các lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy (PCCC); bảo vệ môi trường; phòng, chống ma túy; phòng, chống tác hại rượu, bia.

Cụ thể, người dân có thể cung cấp dữ liệu bằng cách trực tiếp đến trụ sở cơ quan chức năng; thông qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng; qua dịch vụ bưu chính hoặc bằng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu (AirDrop, Bluetooth…). Ngoài ra, người cung cấp dữ liệu được bảo đảm bí mật thông tin, được yêu cầu thông báo kết quả xác minh. Đồng thời, người cung cấp còn phải buộc chịu trách nhiệm về tính xác thực của dữ liệu đã cung cấp cũng như hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi có yêu cầu.

Về phía cơ quan chức năng, dự thảo cũng nêu rõ một số lực lượng được tiếp nhận dữ liệu do người dân cung cấp gồm: các lực lượng cảnh sát (trật tự, giao thông, PCCC…), thanh tra chuyên ngành (giao thông, y tế, nông nghiệp, LĐ-TBXH…), hải quan, cảng vụ hàng hải, bộ đội biên phòng…

Theo một số luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh, các quy định mới nêu trên phù hợp với Khoản 4, Điều 64, Luật Xử lý VPHC sửa đổi năm 2020. Cụ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các biện pháp nghiệp vụ khác nhằm xác định thông tin, dữ liệu được thu thập từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện VPHC. Do đó, việc dự thảo quy định rõ quy trình tiếp nhận, thu thập, sử dụng hình ảnh VPHC từ cá nhân, tổ chức sẽ giúp cơ quan chức năng có căn cứ pháp lý để xác định chính xác hành vi VPHC, từ đó ban hành các quyết định xử VPHC phù hợp.

* Gỡ vướng cho cơ quan chức năng

Hiện nay, các hình ảnh, clip dùng làm căn cứ để xử phạt VPHC phần lớn được ghi lại từ các camera chuyên ngành của lực lượng chức năng (ngoài ra còn từ một số hình ảnh, clip được đăng tải trên mạng xã hội, báo chí). Do đó, khi dự thảo quy định quy trình thu thập, sử dụng hình ảnh, clip do cá nhân, tổ chức cung cấp sẽ giúp các cơ quan chức năng khác thuận lợi hơn khi phát hiện, xử lý VPHC.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, khi dự thảo nói trên đi vào thực tế sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng xử lý thông tin và có căn cứ xử phạt VPHC các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp không đảm bảo an toàn PCCC từ những hình ảnh, clip do người dân cung cấp. Điều này rất thuận lợi cho lực lượng cảnh sát PCCC vì trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kiểm tra an toàn PCCC ở những nơi này rất hạn chế. Nếu phát hiện các vi phạm PCCC kịp thời sẽ góp phần xử lý, ngăn chặn các vụ cháy lớn xảy ra.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cũng cho rằng, từ ngày 5-8-2020, khi lực lượng cảnh sát giao thông được tiếp nhận, xác minh hình ảnh phản ảnh vi phạm an toàn giao thông đường bộ do người dân cung cấp hoặc đăng trên báo chí, mạng xã hội đã có nhiều trường hợp vi phạm giao thông bị phạt nguội do chạy xe ngược chiều, gây tai nạn rồi bỏ trốn, chạy quá tốc độ… Vì vậy, khi quy trình thu thập, sử dụng hình ảnh, clip do cá nhân, tổ chức cung cấp hoàn thiện hơn sẽ giúp người dân yên tâm hơn khi cung cấp các hình ảnh, clip vi phạm an toàn giao thông vì thông tin về tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu được bảo mật hoàn toàn. Đồng thời, ngành chức năng cũng an tâm hơn về độ chính xác của các hình ảnh, clip được gửi đến vì theo quy định mới, tổ chức, cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của dữ liệu đã cung cấp.

Dự thảo Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện VPHC có 4 chương, 21 điều. Hiện Bộ Công an đang lấy ý kiến trong 2 tháng, từ ngày 25-8 đến hết ngày 25-10.

Minh Thành

Tin xem nhiều