Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết 126).
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết 126).
Người lao động mong muốn được tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ một cách nhanh nhất. Ảnh minh họa: Công nhân đang sản xuất tại một công ty ở H.Long Thành. Ảnh: Kim Liễu |
Nghị quyết 126 bổ sung nhiều đối tượng được hỗ trợ, đồng thời giảm các điều kiện nhận hỗ trợ để có thêm nhiều NLĐ, người sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
* Mở rộng đối tượng thụ hưởng
Nghị quyết 126 đã bổ sung đối tượng được nhận hỗ trợ là lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Cụ thể, các lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng được hỗ trợ mức 1,855 triệu đồng/người; từ 1 tháng trở lên được hỗ trợ mức 3,71 triệu đồng/người. Lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người.
Ngoài ra, Nghị quyết 126 cũng bổ sung đối tượng hưởng mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho lao động bị ngừng việc do phải điều trị Covid-19. Nghị quyết này cũng bổ sung thêm người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) hoặc phải cách ly y tế theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (F1) thì được ngân sách hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27-4-2021 đến hết ngày 31-12-2021.
Nghị quyết 126 cũng bổ sung thêm các đối tượng được nhận hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ kinh doanh gồm: hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16 của Chính phủ trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021.
Ngoài ra, Nghị quyết 126 đã nới lỏng điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất với lãi suất 0%; nới lỏng điều kiện để tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người sử dụng lao động.
* Để các đối tượng tiếp cận chính sách hỗ trợ sớm nhất
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc sửa đổi bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP để có thêm nhiều NLĐ, người sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ trong điều kiện hiện nay đã nhận được sự đồng thuận từ phía người dân nhất là các đối tượng lao động tự do và doanh nghiệp đang gặp trở ngại do không đủ điều kiện vay vốn theo quy định cũ.
Khi biết mình thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định Nghị quyết 126, chị Nguyễn Thị Lành (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) rất phấn khởi. “Tôi bán hàng cháo tại chợ và không có đăng ký hộ kinh doanh, từ ngày chợ ngưng hoạt động không có thu nhập cuộc sống gia đình rất khó khăn. Lúc này, gia đình tôi thực sự cần được thụ hưởng chính sách của Nhà nước” - chị Lành bộc bạch.
Không chỉ có NLĐ mà nhiều chủ sử dụng lao động cũng rất cảm kích trước sự chia sẻ, đồng hành của Chính phủ. Ông Đ. - chủ một Công ty TNHH thương mại sản xuất gỗ tại TP.Biên Hòa bộc bạch, sau nhiều đợt dịch việc sản xuất kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay vì còn khoản nợ tại ngân hàng. Nghị quyết 126 bỏ điều kiện quy định: “Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” khi vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất với lãi suất 0%. Việc nới lỏng điều kiện vay vốn này sẽ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm ổn định cho NLĐ.
Để Nghị quyết 126 sớm được triển khai và trở thành “phao cứu sinh” cho những gia đình, NLĐ, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NLĐ và người sử dụng lao động mong muốn các cấp, các ngành cần đẩy nhanh hơn nữa công tác rà soát, thẩm định đối tượng, giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng để tránh nhầm lẫn, tránh bỏ sót đối tượng. Qua đó, giúp NLĐ, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Kim Liễu