Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng khi mang thiết bị điện tử đi sửa chữa

08:10, 05/10/2021

Hiện nay, các thiết bị điện tử như: laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh… là nơi lưu trữ nhiều hình ảnh, thông tin cá nhân, công việc (gọi chung là dữ liệu). Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn không ít người lơ là, bất cẩn trong quá trình bảo mật dữ liệu cá nhân khi mang các thiết bị này đi sửa chữa, dẫn tới lộ lọt dữ liệu cá nhân.

Hiện nay, các thiết bị điện tử như: laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh… là nơi lưu trữ nhiều hình ảnh, thông tin cá nhân, công việc (gọi chung là dữ liệu). Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn không ít người lơ là, bất cẩn trong quá trình bảo mật dữ liệu cá nhân khi mang các thiết bị này đi sửa chữa, dẫn tới lộ lọt dữ liệu cá nhân.

Khi điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử lưu trữ nhiều dữ liệu cá nhân bị hư, người dùng cần sao chép toàn bộ dữ liệu và thoát các tài khoản trên thiết bị trước khi đem đi sửa. Ảnh minh họa: Minh Thành
Khi điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử lưu trữ nhiều dữ liệu cá nhân bị hư, người dùng cần sao chép toàn bộ dữ liệu và thoát các tài khoản trên thiết bị trước khi đem đi sửa. Ảnh minh họa: Minh Thành

* Nhiều rủi ro lộ thông tin cá nhân

Cuối tháng 9-2021, vụ việc nhân viên kỹ thuật một cửa hàng chuyên kinh doanh thiết bị di động tại TP.Hà Nội lợi dụng việc sửa chữa laptop để sao chép hình ảnh, thông tin riêng tư của khách đã khiến nhiều người bức xúc.

Đáng nói, tình trạng trên đã diễn ra rất nhiều lần tại nhiều địa phương trong cả nước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của người bị lộ dữ liệu, nhất là những hình ảnh nhạy cảm của cá nhân. Thậm chí, có đối tượng ngang nhiên dùng dữ liệu của khách hàng để làm điều phi pháp như vụ việc 2 thiếu niên tại tỉnh Hải Dương dùng clip “nóng” lấy từ điện thoại để tống tiền khách đem sửa xảy ra vào tháng 5-2021.

Theo một số cửa hàng chuyên sửa chữa điện thoại tại TP.Biên Hòa, việc dữ liệu cá nhân bị lộ có thể do chủ thiết bị bất cẩn khi tin tưởng giao điện thoại, máy tính bảng cho thợ quen, bạn bè sửa giúp. Hoặc do chủ thiết bị chủ quan, không đánh giá hết hậu quả từ việc lộ dữ liệu cá nhân nên áp dụng phương thức bảo mật đơn giản, dễ bị người khác phát hiện, xâm nhập thiết bị điện tử cá nhân.

Anh V.B., nhân viên kỹ thuật một cửa hàng điện thoại trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) cho biết, qua sửa chữa thiết bị điện tử cho khách, anh thấy rất nhiều người không chú ý bảo mật dữ liệu cá nhân. Không ít người đưa thiết bị điện tử đi sửa nhưng không xóa hình ảnh, cũng như thoát các tài khoản mạng xã hội, email cá nhân khỏi thiết bị. Có người chỉ thoát đăng nhập nhưng không để ý vẫn cho phép ghi nhớ mật khẩu, nên khó tránh khỏi tình trạng có người tò mò đăng nhập lại và lấy cắp dữ liệu.

Bên cạnh đó, còn một số thói quen sử dụng thiết bị khiến người dùng bị mất thông tin khi giao điện thoại để sửa, bán. Đó là việc dùng chung một dãy ký tự đơn giản làm mật khẩu cho tất cả ứng dụng (để dễ nhớ) nên dù đã thoát ứng dụng nhưng vẫn có nguy cơ bị xâm nhập thiết bị điện tử cá nhân. Hoặc một số người do tính hay quên nên lưu lại mật khẩu tất cả các ứng dụng vào phần ghi chú của thiết bị nên dù đã rất cẩn thận thoát đăng nhập, xóa mật khẩu trên các ứng dụng nhưng lại quên xóa nội dung mật khẩu ở phần ghi chú thì vẫn có thể khiến dữ liệu cá nhân bị lọt, lộ.

* Chú ý sao lưu, bảo mật dữ liệu

Trong thiết bị điện tử, dữ liệu cá nhân được lưu ở 3 dạng chính là: bộ nhớ trong của máy, trong các ứng dụng email, mạng xã hội và trên bộ nhớ đám mây. Tuy nhiên, trừ bộ nhớ trong của máy, còn lại đều phải có tài khoản, mật khẩu để đăng nhập; do đó, bảo mật thiết bị chủ yếu là bảo mật tài khoản đang lưu trữ dữ liệu.

Cục An toàn thông tin Bộ TT-TT khuyến cáo, với các tài khoản mạng xã hội, người dùng nên thường xuyên xóa lịch sử hoạt động, ẩn vị trí người dùng, bật xác thực 2 yếu tố. Khi giao điện thoại, máy tính bảng, laptop cho người khác để sửa chữa, cần xóa mật khẩu đang lưu, thoát tất cả các ứng dụng đang đăng nhập. Đặc biệt, nếu chỉ giao máy để kiểm tra nhanh và không cần xóa hẳn ứng dụng khỏi máy, người dùng phải lưu ý đổi mật khẩu khi giao, nhận máy để đảm bảo an toàn.

Riêng các dữ liệu được lưu trữ tại bộ nhớ trong của máy, nên được chuyển hết vào ổ cứng, thẻ nhớ phụ rồi tháo ra trước khi giao máy cho người lạ sửa chữa, kiểm tra. Các phần ghi chú, tin nhắn điện thoại (qua sim)…nên được xóa thường xuyên và xóa hết trước khi giao máy, tránh để lộ các nội dung trao đổi cá nhân.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, hiện nay hành vi lợi dụng việc sửa chữa để lấy cắp dữ liệu trong thiết bị điện tử của người khác đã được quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ thì bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Tại Khoản 2, Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện tử, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nêu rõ, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng với hành vi sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Minh Thành

Tin xem nhiều