Trong những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 19/CT-UBND của UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhiều hoạt động dịch vụ, thương mại đã được mở lại, thu hút rất đông người dân tham gia.
Trong những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 19/CT-UBND của UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhiều hoạt động dịch vụ, thương mại đã được mở lại, thu hút rất đông người dân tham gia.
Đông đảo người lao động đến thực hiện các thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh sáng 11-10. Ảnh: G.An |
Phần đông người dân đều có ý thức tốt trong phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, còn tập trung đông người, không đảm bảo khoảng cách an toàn, không thực hiện sát khuẩn, không đeo khẩu trang đúng cách…
* Nhiều điểm tập trung đông người
Sau 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh (từ ngày 9-7 đến 9-10), việc đi lại bị hạn chế kéo theo nhiều nhu cầu của người dân phải tạm dừng. Ngay khi được nới lỏng giãn cách, người dân đã nhanh chóng thực hiện các công việc, giao dịch cần thiết. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều điểm mua bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, các ngân hàng, cũng như một số cơ quan nhà nước có lượng người đến giao dịch, liên hệ giải quyết công việc đông đúc.
Một điều đáng ghi nhận là hầu hết người dân đều đeo khẩu trang khi ra đường, có ý thức trong việc giữ khoảng cách hơn so với trước đây. Tuy nhiên, do lượng người đến giao dịch quá đông và cùng lúc nên một số nơi đã gặp khó khăn trong việc đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của trạng thái “bình thường mới” như: tổ chức cho người dân sát khuẩn tay, thực hiện khai báo y tế, quét mã QR, giãn cách theo đúng quy định…
Tại một chi nhánh ngân hàng thương mại trên đường Võ Thị Sáu (thuộc P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vào chiều 11-10 có rất đông người đến giao dịch. Trong đó, có một số người bỏ qua các bước khai báo y tế, sát khuẩn tay khi vào ngân hàng. Tại khu vực sảnh chờ, nơi ghi nhận thực hiện thủ tục thay đổi thông tin cá nhân khách hàng có lượng người tập trung khá đông và đứng, ngồi san sát nhau.
Đến ngân hàng để rút tiền mặt nhưng chị L. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) phải chờ gần 2 giờ mới thực hiện xong giao dịch. “Ngồi chờ ở đây mà tôi thấy lo quá, vì lượng người đông, không gian lại kín. Nhiều người muốn công việc nhanh mà quên luôn việc giữ khoảng cách an toàn để phòng dịch. Nếu trong số những người đến giao dịch hôm nay có F0 thì nguy cơ lây lan dịch bệnh tại đây là rất cao” - chị L. lo lắng nói.
Tương tự, trong ngày 11-10, có hàng trăm người lao động chen lấn, tập trung phía trước sân cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh để đăng ký thủ tục hưởng chính sách. Ai cũng muốn được giải quyết trước nên không ngại tập trung, chen lấn. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, không để người dân chờ đợi lâu, BHXH tỉnh đã phối hợp với UBND P.Quyết Thắng tham gia điều phối, giãn cách người lao động và phát phiếu hẹn theo thứ tự để người dân quay lại giải quyết thủ tục vào các ngày tiếp theo trong tuần.
* Không chủ quan trong phòng dịch
Trong những ngày qua, rất dễ bắt gặp tình trạng người dân còn chủ quan trong phòng dịch tại một số điểm kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP.Biên Hòa. Có rất nhiều hình ảnh tiêu cực trong phòng dịch được phóng viên Báo Đồng Nai ghi nhận như: không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách, tập trung đông người, không thực hiện giữ khoảng cách an toàn tại một số điểm bán hàng...
Ông Nguyễn Thành Nhật (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bộc bạch, hiện nay công tác phòng, chống dịch đã có những chuyển biến tích cực, thế nhưng không thể chủ quan vì số ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày vẫn còn rất nhiều. Chính những hành vi lơ là, chủ quan, không tuân thủ nguyên tắc phòng dịch như trên sẽ tạo nguy cơ cho dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tại khu vực sảnh chờ của một ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa, khách hàng đứng ngồi không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m trong chiều 11-10 |
“Khi thực hiện nới lỏng một số hoạt động phòng, chống dịch, cuộc sống trở lại “bình thường mới” thì các biện pháp phòng dịch càng phải tiếp tục được mỗi người dân duy trì để tự bảo vệ mình, cũng như đảm bảo an toàn cho những người thân chưa được tiêm ngừa và cộng đồng” - ông Nhật nói.
Giám đốc Sở Y tế, TS-BS Phan Huy Anh Vũ cho biết, thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội không có nghĩa là đã hết dịch, mà là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống “bình thường mới” vừa chống dịch, vừa lao động sản xuất.
“Càng nới lỏng giãn cách xã hội thì càng phải chú trọng thực hiện các biện pháp phòng dịch, bởi chỉ cần một vài người chủ quan, thiếu cảnh giác sẽ khiến dịch bệnh lây lan, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu, người dân không thể chủ quan mà phải chấp hành tốt thông điệp 5K, biết tự bảo vệ mình trước đại dịch, sống khỏe và sống an toàn” - TS-BS Phan Huy Anh Vũ khuyến cáo.
Gia An