Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để lợi dụng dịch bệnh để vi phạm về môi trường

10:10, 06/10/2021

Báo Đồng Nai online có đăng bài Vi phạm về môi trường vẫn diễn biến phức tạp, phản ánh về việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lực lượng chức năng hạn chế kiểm tra, giám sát nên một số cá nhân, cơ sở sản xuất thực hiện các hành vi xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường; xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân; vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Báo Đồng Nai online có đăng bài Vi phạm về môi trường vẫn diễn biến phức tạp, phản ánh về việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lực lượng chức năng hạn chế kiểm tra, giám sát nên một số cá nhân, cơ sở sản xuất thực hiện các hành vi xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường; xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân; vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Công an H.Xuân Lộc phát hiện một trang trại chăn nuôi heo vứt xác heo chết ra môi trường. Ảnh: Tố Tâm
Công an H.Xuân Lộc phát hiện một trang trại chăn nuôi heo vứt xác heo chết ra môi trường. Ảnh: Tố Tâm

Vấn đề trên nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai. Nhiều ý kiến yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh, vi phạm về môi trường.

* Hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh

Theo một số BĐ nhận xét, qua các vụ việc vi phạm về môi trường cho thấy, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Như 2 trại chăn nuôi heo ở xã Xuân Bắc và xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc) còn thiết kế cả hệ thống xả thải ngầm để tuồn nước thải chưa qua xử lý ra các dòng suối xung quanh đó nhằm tránh bị lực lượng chức năng phát hiện. Nếu lực lượng công an không phát hiện kịp thời thì các cơ sở này tiếp tục gây ô nhiễm môi trường diện rộng vì nước thải này đều được xả trực tiếp ra sông, suối trong khu vực.

Một BĐ ở xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) cho biết, thời gian qua, có không ít cơ sở tái chế rác thải, phế liệu hoạt động trong khu dân cư nhưng không đầu tư hệ thống xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh, thậm chí có cơ sở hoạt động liều lĩnh, bất chấp pháp luật khi dùng hóa chất độc hại để rửa phế liệu, sau đó thải trực tiếp ra môi trường.

Hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính. Theo đó, khi dự thảo nghị định trên được thông qua, sẽ cụ thể quy trình khi cơ quan chức năng tiếp nhận các hình ảnh, clip hành vi vi phạm hành chính, trong đó có vi phạm môi trường được ghi lại bằng điện thoại, máy chụp hình cá nhân của người dân làm căn cứ xác định lỗi vi phạm để xử lý theo đúng quy định. Qua đó, giúp người dân gửi hình ảnh phản ánh các vi phạm về môi trường cho cơ quan chức năng dễ dàng hơn.

Đơn cử như một cơ sở sản xuất thùng xe rùa tại xã Hố Nai 3 dùng hóa chất rửa thùng phuy, can nhựa nhiễm hóa chất nguy hại rồi tái chế, đưa đi tiêu thụ. Quá trình tẩy rửa thùng phuy, chất thải, hóa chất tẩy rửa được xả trực tiếp ra môi trường ngay trong khuôn viên cơ sở. Vụ việc đã được lực lượng công an phát hiện vào ngày 28-8, tạm giữ gần 1 ngàn thùng phuy sắt, can nhựa nhiễm hóa chất nguy hại. Do đó, BĐ này kiến nghị cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, rác thải tại các cơ sở tái chế rác thải, phế liệu trong thời gian tới.

Một số BĐ cũng bức xúc khi các đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, tuồn ra thị trường tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Nhi (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ, trong thời điểm toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, chủ yếu thực phẩm mua bán online nên khó biết chính xác nguồn gốc thực phẩm, nhất là các sản phẩm từ thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm.

“Vừa rồi, qua báo chí được biết lực lượng công an ở H.Thống Nhất bắt quả tang một cơ sở giết mổ heo trái phép tại xã Gia Kiệm thu giữ gần 1 tấn thịt heo bệnh, heo chết vào ngày 20-6 khiến tôi nổi da gà. Nếu lực lượng chức năng không kịp thời phát hiện, số thịt heo này tuồn ra thị trường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân” - chị Nhi bày tỏ lo lắng.

* Chú ý giám sát và xử phạt nghiêm

Các vụ việc vi phạm nêu trên đều được lực lượng công an phát hiện và xử lý hoặc đang trong quá trình xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến BĐ cho rằng, bên cạnh việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường thì ngành chức năng cũng cần quan tâm đến công tác hậu kiểm, giám sát sau xử phạt để tránh tình trạng các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ khắc phục qua loa, mang tính chất đối phó với ngành chức năng. Một thời gian ngắn sau, tình trạng xả thải lại âm thầm tái diễn dù trước đó đã có cam kết không vi phạm.

BĐ Tú Anh (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) kiến nghị, không chỉ kiểm tra nguồn thực phẩm tại các điểm bán, lò mổ theo quy định mà các cơ quan chức năng nên kiểm tra các hộ kinh doanh thực phẩm online định kỳ và công khai vi phạm. Như vậy mới tăng sức răn đe đối với các cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm; đồng thời, giúp người dân yên tâm hơn khi thực hiện giãn cách tại nhà và đặt mua hàng trực tuyến.

Một số BĐ chỉ rõ, để giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc trang trại có thực sự khắc phục vi phạm pháp luật về môi trường thì vai trò của chính quyền địa phương, người dân sinh sống gần các cơ sở, trang trại này rất quan trọng.

Để xử lý tình trạng này, theo nhiều BĐ, cần phải tận dụng các clip của người dân ghi lại làm căn cứ để cơ quan chức năng mời cá nhân, tổ chức có trách nhiệm làm việc. Tuy nhiên, BĐ A.L. (ngụ xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) cho biết: “Hiện nay, mới chỉ có TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh triển khai các ứng dụng phản ảnh vi phạm về môi trường, vấn đề bất cập về đô thị, còn các huyện khác chưa triển khai. Nếu các địa phương tăng cường kênh tiếp nhận thông tin trực tuyến như trên sẽ tiện cho người dân khi phản ảnh, kiến nghị đến chính quyền địa phương, trong đó có phản ảnh kịp thời các vi phạm về môi trường”.

Đa số ý kiến BĐ kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt thật nghiêm các hành vi xả rác thải, chất thải, nước thải trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường, cũng như việc mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài xử lý hành chính, cần thiết xem xét xử lý hình sự các hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng.

Đông Hồ

Tin xem nhiều