Việc vay mượn nhau trong nhân dân hiện khá phổ biến, được pháp luật công nhận, bảo vệ khi phát sinh tranh chấp.
Việc vay mượn nhau trong nhân dân hiện khá phổ biến, được pháp luật công nhận, bảo vệ khi phát sinh tranh chấp.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn về vấn đề lãi suất trong giao dịch dân sự cho người dân tại Văn phòng Hội Luật gia tỉnh. Ảnh: Đ.Phú |
Để hạn chế trường hợp cho vay với lãi suất cao, pháp luật ngoài việc không công nhận mức lãi vượt mức mà Bộ luật Dân sự năm 2015 khống chế, còn chế tài hành chính, hình sự đối với người cho vay lãi nặng.
* Vay vật, trả vật
Do có điều kiện chăn nuôi bò (công lao động, đồng cỏ) nhưng thiếu vốn, ông L.V.B. (ngụ xã Tà Lài, H.Tân Phú) được ông P.V.H. (ngụ xã Phú Lộc, H.Tân Phú) giao cho 1 con nghé cái để nuôi. Hai bên thỏa thuận, sau khi nghé cái lớn thành bò cái và đẻ con, lứa đầu tiên nếu là nghé cái thì ông B. phải giao cho ông H. (coi như đã trả phần vốn gốc). Riêng phần lãi là giá trị con bò cái giống chia đôi.
Thấy hợp lý nên ông B. đồng ý và nhận con giống về nuôi. Sau 2 năm, con nghé cái thành bò và đẻ ra nghé đực. Lúc này, ông H. đưa ra cách giải quyết, ông B. gọi lái bán cả bò cái lẫn nghé con rồi dùng số tiền đó mua lại một con nghé cái khác cùng tuổi, trọng lượng như con nghé giống ban đầu để trả lại cho ông H. Số tiền dư thì hai bên chia đều nhau.
Lúc đầu ông B. đồng ý, nhưng sau đó thấy mình bị thua thiệt nên yêu cầu tiền bán nghé con và bò giống được chia đôi. Như vậy, ông H. vẫn có lãi và ông đã trả luôn bò gốc. Đề xuất của ông B. bị ông H. phản đối nên phát sinh việc chia lãi, trả nợ vì ai cũng có cái lý, tính lợi cho mình.
Theo trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp) thì việc giao dịch giữa ông H. và ông B. là giao dịch dân sự nên căn cứ theo Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết khi phát sinh tranh chấp về trả gốc, lãi suất.
Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Như vậy, việc ông H. yêu cầu trả nghé cái khi bò mẹ sinh ra là hợp lý, đúng với những gì đôi bên thỏa thuận lúc đầu. Tuy nhiên, việc ông đòi chia lãi từ số tiền bán nghé đực và bò mẹ trừ đi phần tiền mua ghé cái (tiền gốc), chỉ hợp lý nếu nó thỏa mãn Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cụ thể, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định (không quá 20%/năm) tại thời điểm trả nợ”.
* Tránh hành vi cho vay nặng lãi
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rất rõ, lãi suất mà hai bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm (hoặc không vượt quá 1,666%/tháng) của khoản tiền vay, mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực. Như vậy, pháp luật chỉ công nhận và cho phép người cho vay, người vay thỏa thuận mức lãi suất thấp hơn hoặc bằng 1,666%/tháng so với khoản tiền vay (gốc). Do đó, trợ giúp viên Đặng Bửu Trọng lưu ý ông H. khi tranh chấp để tránh trường hợp lãi suất vượt quá 1,666%/tháng so với khoản tiền vay (gốc) có thể bị xem là hành vi cho vay nặng lãi.
Trên thực tế vẫn xảy ra trường hợp người cho vay nắm bắt tâm lý khát vốn của người vay mà đưa ra mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với mức mà pháp luật cho phép.
“Vậy lãi suất như thế nào được xem là cho vay nặng lãi và cho vay nặng lãi tới mức nào sẽ bị xem là tội phạm?” - ông Hoàng Văn Phước (xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) hỏi.
Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Thanh Sơn cho hay, trường hợp bên cho vay yêu cầu mức lãi suất lớn hơn mức 20%/năm với khoản tiền vay thì được coi là cho vay nặng lãi. Khoản lãi suất cho vay vượt quá giới hạn cho phép này, pháp luật cho phép người vay không cần phải thanh toán cho bên cho vay. Đồng thời, người cho vay lãi suất vượt giới hạn cho phép có thể bị pháp luật xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính, Điểm d, Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay bị phạt tiền từ 5-15 triệu đồng.
Còn về trách nhiệm hình sự, hành vi cho vay nặng lãi nếu cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
“Như vậy, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị xử lý hình sự” - luật gia Nguyễn Thanh Sơn lưu ý.
Đoàn Phú