Thời gian qua, các cơ quan liên quan và địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68).
Thời gian qua, các cơ quan liên quan và địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68).
Người lao động tự do ở P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Ảnh: Phương Liễu |
Tuy nhiên, việc lập hồ sơ, phê duyệt, chi trả hỗ trợ cho NLĐ tại một số địa phương chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng nhiều NLĐ đã có quyết định hỗ trợ nhưng chưa nhận tiền vì đã về quê.
* Nhiều NLĐ về quê chưa được nhận tiền
Dịch bệnh kéo dài khiến rất nhiều NLĐ gặp khó khăn. Vừa qua, hơn 30 ngàn NLĐ ở Đồng Nai đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam bộ và Tây nguyên… đã được các cơ quan chức năng phối hợp đưa về quê. Trong đó có không ít người thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 nhưng chưa được nhận tiền.
Khu nhà trọ chục phòng của bà Trần Thị Ninh (ở KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) trước đây luôn kín phòng, giờ chỉ còn 1phòng có người thuê. Bà Ninh cho biết, những người ở trong khu nhà trọ của bà đã lần lượt về quê ngay khi tỉnh nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng 10-2021. Trước đó, để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vì mất việc, bà Ninh đã giảm một nửa tiền thuê phòng, nhưng nhiều người vẫn không trụ lại được.
Theo bà Ninh, trong khu nhà trọ của bà có 6 người là lao động tự do thuộc diện được nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội, họ nộp đơn đã 2-3 tháng mà vẫn chưa nhận được tiền. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, thất nghiệp 3 tháng liền nên họ đành phải kéo nhau về quê tá túc gia đình, người thân. “Tôi mới được biết UBND phường đã dán danh sách và thông báo về việc NLĐ sớm cung cấp số tài khoản để phường chuyển tiền hỗ trợ. Trong danh sách này có 6 người ở khu nhà trọ của tôi. Tôi đã gọi điện báo cho những lao động này biết. Hiện chính quyền đang nỗ lực liên hệ với những người này để chuyển tiền hỗ trợ đến họ” - bà Ninh cho biết.
Quê ở H.Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), mấy năm nay ông Vũ Văn Tòng (ở trọ tại P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) làm nghề thợ hồ để mưu sinh. Ngày 9-10 vừa qua, ông về quê tránh dịch. Khi biết có tên trong danh sách được hỗ trợ, ông Tòng đã liên hệ nơi ông ở trọ tại P.Trung Dũng và được yêu cầu cung cấp số tài khoản cá nhân. Ông Tòng không có nên đành nhờ số tài khoản của người em gái để nhận tiền chuyển về. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng giúp ông bớt một phần khó khăn khi đang thất nghiệp ở quê nhà.
Long Bình là phường có đông dân nhất TP.Biên Hòa với hơn 133 ngàn người. Qua khảo sát của UBND P.Long Bình, dự kiến có gần 40 ngàn lao động tự do thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Thời gian qua, gần 30 ngàn NLĐ đã nhận được hỗ trợ. Tuy nhiên, số hồ sơ đã được phê duyệt nhưng NLĐ chưa nhận được tiền đã về quê cũng còn rất lớn.
Phó chủ tịch UBND P.Long Bình Trần Văn Thắng cho biết, thời gian qua, phường đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện danh sách để trình cấp trên, cũng như khi có danh sách và tiền chuyển về thì tổ chức phát cho người dân sớm nhất có thể. Tuy nhiên, do địa bàn có quá đông đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, dịch bệnh lại diễn biến phức tạp, tình trạng phong tỏa kéo dài nên công tác lập danh sách và thẩm định hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, vẫn có những trường hợp được lập danh sách muộn nên đến nay vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ và đã về quê.
* Hỗ trợ chuyển tiền đến tài khoản của NLĐ
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, ngày 8-10, UBND tỉnh đã có công văn hướng dẫn việc chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP đối với các đối tượng đã rời khỏi địa phương một cách rất cụ thể.
Theo đó, Sở LĐ-TBXH sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan cũng như các địa phương tìm mọi cách liên hệ với NLĐ để chuyển số tiền hỗ trợ qua số tài khoản cá nhân. Trường hợp NLĐ không có tài khoản thì địa phương, sở, ngành liên quan sẽ tạm giữ lại khoản tiền này để khi NLĐ quay lại địa phương sẽ chi trả cho họ.
Để thông tin rộng rãi đến các đối tượng cũng như người thân của những NLĐ được hỗ trợ nhưng đã về quê, UBND các phường, xã sẽ thông tin và niêm yết danh sách những trường hợp được nhận tiền tại nơi cư trú. Trong thời gian từ nay đến ngày 15-12-2021 mà đối tượng vẫn không cung cấp được số tài khoản cá nhân hay không đến các điểm chi trả, các địa phương tổng hợp danh sách, đồng thời nộp lại khoản tiền trên về ngân sách nhà nước theo quy định.
Theo Phó chủ tịch UBND P.Long Bình Trần Văn Thắng, để tiền hỗ trợ sớm đến tay NLĐ, căn cứ vào số điện thoại của đối tượng khai trong hồ sơ, phường sẽ gọi điện cho từng NLĐ để yêu cầu họ cung cấp số tài khoản cá nhân để chuyển tiền cho họ. Riêng với những người không có tài khoản, phường sẽ thông báo cho họ biết khoản tiền hỗ trợ vẫn được bảo lưu và họ có thể nhận sau khi quay trở lại địa phương làm việc.
Theo Sở LĐ-TBXH, toàn tỉnh hiện có khoảng 600 ngàn lao động được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Tuy nhiên, chủ trương của lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung thêm 600 ngàn người nữa để có tổng số 1,2 triệu người được hưởng chính sách hỗ trợ mới, kể cả những trường hợp ở trong “vùng xanh” và những công nhân đã đi làm nhưng chưa được hưởng hỗ trợ... nhằm hỗ trợ NLĐ khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. |
Phương Liễu