Đại dịch Covid-19 khiến không ít trẻ em đang có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc bỗng chốc thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Nhiều bé còn quá nhỏ, chưa hiểu hết những đau thương, mất mát khi phải đơn độc trên hành trình dài phía trước…
Đại dịch Covid-19 khiến không ít trẻ em đang có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc bỗng chốc thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Nhiều bé còn quá nhỏ, chưa hiểu hết những đau thương, mất mát khi phải đơn độc trên hành trình dài phía trước…
Mỗi ngày chị Trần Thị Yến Nhi (tạm trú TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) đều thắp nhang cho cha mẹ và tự tay chăm sóc các em. Ảnh: Tố Tâm |
* Lần đoàn tụ gia đình cuối cùng
Căn nhà thuê của 3 chị em Trần Thị Yến Nhi (20 tuổi, TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) nằm lọt thỏm cuối con hẻm nhỏ, chiếc bảng màu đỏ ghi dòng chữ “Nhà có người bị nhiễm Covid-19, cấm vào” chẳng biết đã được treo trước nhà của chị Nhi từ bao giờ. Chị Nhi chỉ nhớ rằng, từ ngày có bảng chữ đỏ đó, nhà của chị chẳng còn gì ngoài nỗi buồn và sự tang thương.
Chị Nhi kể lại, 4 năm trước, cha của Nhi chết trong một vụ tai nạn lao động để lại 4 mẹ con chị Nhi nương tựa nhau sống. Sau đó, vì quá khó khăn nên mẹ dẫn chị em Nhi về ở tại căn nhà thuê cùng bà ngoại tại TT.Hiệp Phước. Để không trở thành gánh nặng cho mẹ, Nhi nghỉ học và về sống cùng ông bà nội tại tỉnh Bình Phước. Đủ 18 tuổi, chị Nhi bắt đầu đi làm công nhân để kiếm tiền gửi về phụ mẹ nuôi các em.
Mọi sự hỗ trợ giúp đỡ có thể liên lạc qua số điện thoại anh Đặng Văn Xiếp, Bí thư Đoàn TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch): 0946.337739 hoặc Báo Đồng Nai, số tài khoản: 5900211012142 , Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đồng Nai. |
Trước khi dịch bệnh bùng phát, chị Nhi nhớ mẹ và các em nên đã về thăm. Nhưng chưa được bao lâu thì dịch bệnh bùng phát, chị bị kẹt lại tại Đồng Nai. Không ngờ rằng, đó cũng là những ngày đoàn tụ cuối cùng còn đông đủ bên gia đình mà chị có được.
Hằng ngày, mẹ và bà ngoại chị Nhi ra quán phía ngoài đường (cách nhà trọ khoảng 500m) để bán hủ tiếu. Trong một lần tiếp xúc với người bị nhiễm Covid-19, mẹ và bà ngoại của chị đều bị nhiễm bệnh rồi lây cho chị em Nhi. Cả nhà cùng bị đưa đi cách ly tập trung. Chị Nhi cùng các em được ở cùng một chỗ, còn bà ngoại và mẹ em lại ở nơi khác. “Từ lúc đi cách ly, tôi không liên lạc được với mẹ và bà ngoại. Tôi cứ nghĩ mẹ với bà đi cách ly trước đã được về nhà và sẽ chờ đón con cháu ở nhà. Nhưng không ngờ, khi về nhà đã thấy 2 hũ tro cốt của bà ngoại và mẹ. Sự việc quá bất ngờ, mất mát quá lớn lao, khiến tôi không muốn tin đó là sự thật” - chị Nhi nghẹn ngào kể lại.
Mồ côi cha, đến nay cả bà ngoại và mẹ, chỗ dựa duy nhất của 3 chị em chị Nhi, đều mất do đại dịch. Các em của chị Nhi còn quá nhỏ để hiểu hết sự tình (có bé chỉ mới 4 tuổi), hằng ngày 2 đứa trẻ luôn đòi nằm phía dưới bàn thờ để chờ bà và mẹ về nhà…
* Mất mẹ, 7 anh em nương tựa vào nhau
Cũng nặng gánh như chị Nhi, anh Nguyễn Thế Vinh (20 tuổi, ngụ TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) đã phải vừa làm cha, vừa làm mẹ chăm lo cho 6 em còn nhỏ khi không còn ông bà, cũng chẳng có cha mẹ. Lâu nay cuộc sống chật vật nhưng vẫn còn mẹ, còn có điểm tựa. Từ ngày dịch bệnh cướp đi sinh mạng của bà ngoại và mẹ, 7 anh em của anh Vinh không còn nơi nương tựa, trong khi dưới anh Vinh còn 6 người em từ 4-15 tuổi.
Đoàn Thanh niên TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) thăm, tặng quà cho các anh em Nguyễn Thế Vinh. Ảnh: Tố Tâm |
Anh Vinh kể lại, anh cùng các em là những người con cùng mẹ khác cha. Ngay từ nhỏ, cha của Vinh đã bỏ đi biệt xứ, chỉ còn mẹ nuôi 2 anh em Vinh nên người. Sau đó, mẹ quen một người đàn ông khác và sinh thêm 5 người em sau, được vài năm thì cha của các em cũng đi chưa một lần quay lại.
Do hoàn cảnh khó khăn nên mẹ của anh Vinh đã đưa cả nhà về nương nhờ bà ngoại sống trong căn nhà chật hẹp. Khi thấy một mình mẹ đi làm nuôi cả nhà không đủ sống, anh đã cùng em trai (hiện 15 tuổi) phải bỏ học từ sớm để đi làm thuê.
Khi cuộc sống đang dần yên ổn thì đại dịch Covid-19 bùng phát, cả nhà anh Vinh đều phải đi cách ly y tế. Sau đó, mọi tin tức về bà ngoại và mẹ, anh Vinh không còn hay biết. Cho đến hôm anh em Vinh khỏi bệnh được về nhà thì đã thấy 2 hũ tro cốt của bà ngoại và mẹ được để trên bàn thờ tạm, anh em Vinh hoàn toàn suy sụp. “Lúc trước còn ở trong bệnh viện chữa trị và cách ly, các dì đã biết bà ngoại và mẹ mất nhưng không nói cho tôi biết. Khi về nhà, nhìn thấy 2 hũ tro cốt mà chết lặng. Tôi không khóc được nữa vì cuộc đời tôi và các em đã quá bất hạnh khi sớm bị cha bỏ rơi, nay lại mất đi bà ngoại và mẹ. Giờ chúng tôi chẳng còn gì nữa…” - anh Vinh nghẹn ngào tâm sự.
Ôm những đứa trẻ nhỏ vào lòng, chị Huỳnh Ngọc Mai (33 tuổi, dì của anh em Vinh) cho biết, sau khi mẹ và chị gái của chị mất do dịch Covid-19, để lại 7 người con, cuộc sống của các cháu rất khó khăn. Suốt nhiều tháng trước, TT.Hiệp Phước bị phong tỏa, cách ly y tế, 2 cháu lớn của chị cũng nhiễm bệnh, thất nghiệp ở nhà. Thời gian qua, các cháu sống đắp đổi qua ngày nhờ sự giúp đỡ từ người khác. “Hiện vợ chồng tôi cũng thất nghiệp nhiều tháng liền, tiền dành dụm được nay cũng xài hết nên không giúp được nhiều cho các cháu. Cháu Vinh cùng người em kế đang đi tìm việc làm trở lại. Trước mắt, tôi chỉ hỗ trợ trông coi các cháu nhỏ. Tôi mong sẽ có mạnh thường quân giúp đỡ các cháu vượt qua thời điểm khó khăn chồng chất khó khăn này” - chị Mai bộc bạch.
* Lọt lòng đã mồ côi mẹ
Tiếng võng kẽo kẹt buổi trưa cộng với lời ru buồn từ căn phòng trọ của anh Lâm Sa Rai (32 tuổi, ngụ H.Nhơn Trạch) khiến những người nghe đều thấy mủi lòng. Trên chiếc võng, em bé chưa đầy 3 tháng tuổi nằm ngủ ngoan, còn người cha nhìn con mà nước mắt chực trào vì thương con sớm mồ côi mẹ.
Anh Lâm Sa Rai là người Khmer từ tỉnh Sóc Trăng lên Đồng Nai lập nghiệp. Vài năm trước, anh về quê và biết được vợ là người mẹ đơn thân (đã có một người con hiện ở với bà ngoại dưới quê) nên thương và lấy làm vợ. Nghe lời gia đình, anh đưa vợ đến H.Nhơn Trạch thuê một căn phòng trọ và xin vào làm việc tại một công ty để kiếm sống.
Anh Lâm Sa Rai kể, khi sắp sinh con, vợ nói đau, sốt và khó thở. Anh liền chở vợ đi khám thì phát hiện bị nhiễm Covid-19 nên phải đưa đến bệnh viện cách ly và sinh con. Sau đó, bệnh tình trở nặng, vợ anh được đưa đến phòng cấp cứu. Chỉ khoảng 7 ngày sau đó, vợ anh Lâm Sa Rai mất, để lại đứa con còn đỏ hỏn cho anh chăm bẵm. “Cùng bị nhiễm bệnh nhưng vợ chồng tôi cách ly khác nơi. Tôi được ở với con để tiện chăm sóc, còn vợ phải cấp cứu vì nặng hơn. Sau đó, tôi mất liên lạc. 7 ngày sau nhận tin vợ đã chết. Vậy là con tôi đã mồ côi mẹ” - anh Lâm Sa Rai bùi ngùi kể lại.
Ngày trở về phòng trọ, anh Lâm Sa Rai nhận hũ tro cốt của vợ mà vẫn chưa tin đây là sự thật. Mỗi ngày anh luôn thắp hương cho vợ rồi lại ôm con vào lòng nói: “Mẹ sẽ sớm về với con nhé”.
Anh Lâm Sa Rai chia sẻ, từ ngày dịch bệnh bùng phát anh cũng nghỉ làm để lo cho con nên không có thu nhập. Tiền sinh hoạt, ăn uống đều được hàng xóm, chủ nhà trọ và chính quyền địa phương hỗ trợ nên hiện tại rất khó khăn. Thời gian tới, anh sẽ nhờ chị gái chăm sóc con thơ để đi kiếm việc làm lo cho con.
Anh Đặng Văn Xiếp, Bí thư Đoàn TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) cho biết, dịch bệnh xảy ra đã để lại nhiều đau thương, mất mát, khiến không ít trẻ bỗng chốc thành trẻ mồ côi. Chính quyền địa phương đã kêu gọi mạnh thường quân và hỗ trợ các phần quà thiết yếu đến những trẻ mồ côi. Thế nhưng số tiền, quà ít ỏi vẫn không thể đủ giúp các em vượt qua những ngày khó khăn này. Địa phương rất mong có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ, hỗ trợ các em vượt qua thời điểm khó khăn này. |
Tố Tâm