Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn ra rất phức tạp, chính quyền các cấp tìm mọi biện pháp để chống dịch. Việc phong tỏa, cách ly y tế và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được thực hiện ở những địa bàn có số người lây nhiễm cao.
Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn ra rất phức tạp, chính quyền các cấp tìm mọi biện pháp để chống dịch. Việc phong tỏa, cách ly y tế và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được thực hiện ở những địa bàn có số người lây nhiễm cao. Nhiều người vì bức xúc việc đi lại khó khăn đã xảy ra xung đột với lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch nên phạm tội chống người thi hành công vụ (THCV).
Phòng, chống dịch bệnh là việc làm cấp bách, là ưu tiên số một của chính quyền và là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Để chống dịch kịp thời và hiệu quả, chính quyền đã huy động nhiều lực lượng tham gia; ngoài các lực lượng chức năng như: y tế, công an, quân đội… thì còn nhiều lực lượng khác tham gia, trong đó có rất nhiều tình nguyện viên xung phong chống dịch, nhiều nhất là ở các xã, phường, khu phố, tổ, ấp. Do đó, cần phân biệt ai là người THCV và thế nào là hành vi chống người THCV để phòng tránh.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17-12-2013 thì người THCV bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Ngoài ra, tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cũng có quy định, người THCV là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động, quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án”.
Theo Điều 3 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17-12-2013 quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người THCV có định nghĩa: “Hành vi chống người THCV là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người THCV hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người THCV thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thực hiện công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Qua định nghĩa trên có thể thấy, một hành vi bị xem là chống người THCV là phải có dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác như: lăng mạ, bôi nhọ, vu khống. Tuy nhiên, không phải hành vi nào phản ứng lại người THCV cũng đều bị xem là hành vi chống người THCV. Vấn đề ở chỗ là thái độ phản ứng đó xảy ra như thế nào? Ví dụ như hỏi lại cho rõ; tranh luận cho rõ trong trường hợp người bị cho là vi phạm thấy mình không có lỗi, không vi phạm…
Trong cuộc sống hằng ngày, những hành vi xung đột với người đang THCV trong nhiều hoàn cảnh khác nhau xảy ra là điều khó tránh khỏi. Vấn đề ở chỗ là mỗi người phải hiểu biết pháp luật, tự kiềm chế, đấu tranh, tranh luận trong ôn hòa với thái độ tôn trọng và nhã nhặn… sẽ tránh hành vi chống người THCV.
LS Nguyễn Đức