Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần chủ động cấp mã định danh cho trẻ em

08:11, 21/11/2021

Đồng Nai đang đẩy nhanh công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi nhằm bảo vệ trẻ trước dịch bệnh Covid-19; đồng thời để các em sớm trở lại trường học cũng như tham gia các hoạt động xã hội khác.

Đồng Nai đang đẩy nhanh công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi nhằm bảo vệ trẻ trước dịch bệnh Covid-19; đồng thời để các em sớm trở lại trường học cũng như tham gia các hoạt động xã hội khác.

Nhân viên điểm tiêm Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) kiểm tra mã định danh của một học sinh trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19. Phương Liễu
Nhân viên điểm tiêm Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) kiểm tra mã định danh của một học sinh trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Phương Liễu

Để được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trẻ phải có mã định danh (MĐD) cá nhân. Quy định này đã khiến nhiều người đổ xô đến công an các phường, xã để được cấp MĐD cho con em họ trong những ngày qua, dẫn đến tình trạng nhiều điểm phường có tình trạng tập trung đông người.

* Khó khăn cho trẻ không khai báo tạm trú

Hiện số căn cước công dân (CCCD) chính là MĐD. Tuy nhiên, đa phần trẻ trong độ tuổi từ 12 đến dưới 14 tuổi chưa đủ tuổi làm CCCD hoặc trẻ mới làm CCCD nhưng chưa lấy kịp cũng không có MĐD nên phụ huynh phải đến công an phường, xã để được cấp MĐD cho trẻ được tiêm vaccine theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn.

ThS-BS Nguyễn Hữu Tài, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, tiêm vaccine cho trẻ em từ 15 đến dưới 18 tuổi đã triển khai xong. Hiện vaccine đã về và ngành sẽ triển khai tiêm đợt 2 cho trẻ từ 12 đến dưới 15 tuổi, ngành đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để không bị chậm lại do đối tượng tiêm chưa có MĐD.

Ông Trần Thành Tuấn (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, ông phải chờ cả buổi mới lấy được MĐD cho con gái 13 tuổi đi tiêm vaccine, do cháu chưa có CCCD. “Tôi cho rằng, quy định phải có MĐD cho tiêm đã khiến tình trạng tập trung, chen chúc tại các cơ quan công an phường, xã trở nên nguy hiểm trong mùa dịch bệnh. Có thể căn cứ vào giấy khai sinh hoặc các trường lập danh sách học sinh, chuyển về công an phường, xã để cơ quan này truy xuất MĐD và gửi lại cho trường để các cháu tiêm, như thế đỡ mất thời gian cho phụ huynh đi lại, tránh được tập trung đông người”.

Đáng chú ý hiện nay, phần lớn những người gặp khó khăn trong việc xác định MĐD thuộc đối tượng chuyển địa điểm sinh sống mà không khai báo tạm trú với cơ quan công an nơi tạm trú, dẫn đến cơ quan công an nơi tạm trú không thể hỗ trợ truy xuất, mà phải liên hệ với cơ quan đăng ký thường trú mới được cấp MĐD.

Bà Trần Thị Hường (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, khi đưa con trai 14 tuổi đi tiêm vaccine tại điểm tiêm Trường THCS Hùng Vương, bà đã được nhân viên điều hành điểm tiêm yêu cầu phải cung cấp MĐD của con trai. Bà Hường được hướng dẫn về Công an P.Long Bình để được cấp MĐD, nhưng do thuộc diện tạm trú nên công an không thể truy xuất MĐD được cho con trai bà Hường, nên tiếp tục hướng dẫn bà liên hệ về Công an xã Quỳnh Bá (H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) - nơi bà đăng ký thường trú để truy xuất MĐD cho con bà. Sau khi gọi điện về cho người thân ở nhà, phải mất gần 1 ngày bà mới có MĐD của con trai để tiêm vaccine.

Chị Trần Lê Anh Chi (cán bộ Thành đoàn TP.Biên Hòa) phụ trách công tác kiểm tra, nhập liệu MĐD và cập nhật mũi tiêm trên hệ thống tiêm chủng tại điểm tiêm Trường THCS Hùng Vương cho biết, việc có MĐD khi tiêm vaccine là rất cần thiết, nó giúp cập nhật và quản lý thông tin tiêm chủng chính xác hơn. Bởi, sau khi nhân viên nhập liệu nhập MĐD lên hệ thống tiêm chủng vaccine quốc gia, ứng dụng này sẽ thể hiện thông tin đối tượng đã được tiêm mũi 1 hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, làm cơ sở phục vụ việc trở lại trường hoặc đến những nơi có yêu cầu quét mã tiêm vaccine của các em, đồng thời tránh được tình trạng cố tình tiêm thêm mũi vaccine.

* Tránh tập trung đông người

Hiện những trẻ sinh từ năm 2004 đến nay đã được cập nhật thông tin cá nhân và được cấp MĐD trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi được cấp CCCD, MĐD sẽ được thể hiện trên giấy tùy thân này. Riêng những trẻ chưa có CCCD hoặc trẻ tạm trú nhưng không khai báo tạm trú cho cơ quan quản lý nơi tạm trú thì gặp khó khăn hơn khi phải liên hệ nơi đăng ký thường trú để được cấp MĐD. 

Trảng Dài là một trong những phường có dân số đông nhất TP.Biên Hòa, trung tá Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng công an phường cho biết, những ngày qua rất đông người dân đến để được cấp MĐD cho con đi tiêm vaccine. Trên địa bàn phường hiện có khoảng 12 ngàn trẻ từ 12-17 tuổi, nhiều người tập trung vào cùng một thời điểm để lấy MĐD nên chưa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Theo nhiều người dân, quy định yêu cầu phải có MĐD khi tiêm vaccine là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra trước khi tổ chức cho trẻ tiêm, cơ quan hành chính nên phổ biến quy định này để người dân chuẩn bị trước, hoặc cơ quan công an cung cấp số điện thoại Zalo để tiếp nhận thông tin cá nhân của trẻ, đồng thời cấp chuyển MĐD của trẻ qua mạng xã hội này, tránh tình trạng người dân ồ ạt đổ xô đi đề nghị cấp MĐD khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Được biết, để giảm tải cho công an các phường, xã, Công an TP.Biên Hòa đang hỗ trợ công an các phường, xã bằng việc phối hợp với Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa để các trường lập danh sách học sinh theo phường, sau đó gửi về công an các phường để truy xuất MĐD, xong sẽ chuyển lại các trường. Việc này tránh tình trạng tập trung đông người trong thời dịch.

Về vấn đề MĐD, đại tá Trần Ngọc Minh, Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết, thời gian qua Công an tỉnh đã yêu cầu công an các huyện và thành phố, công an phường, xã rà soát lại các đối tượng thường trú, tạm trú trên địa bàn mình quản lý, nhằm kịp thời cung cấp và hướng dẫn người dân về MĐD của cá nhân họ. Người dân khi chuyển nơi sinh sống từ tỉnh này sang tỉnh khác đã không khai báo tạm trú với công an phường, xã tại nơi ở mới để được cập nhật MĐD, nhằm thuận lợi cho việc truy xuất khi cần.

Theo Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), trên hệ thống Cơ sở dữ liệu về dân cư đã có sẵn MĐD cho từng người, theo từng tỉnh, thành. Do đó, trường hợp những người dân thường trú chưa đến tuổi làm CCCD có thể liên hệ công an phường, xã mà cụ thể là cảnh sát khu vực để được cấp MĐD.

Phương Liễu

Tin xem nhiều